Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra các đợt nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Trước tình hình trên, các đơn vị chức năng đã chủ động khuyến cáo bà con nông dân thực hiện các biện pháp bảo vệ cây trồng và đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hoành, một hộ dân ở xóm Giữa, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) nói: Nhà tôi có 7 sào chè giống LDP1. Vào mùa nắng, chè dễ bị táp lá và cháy nắng nếu không được cung cấp đủ nước. Vì vậy, chúng tôi đã tiến hành khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và tưới vào buổi chiều mát. Đồng thời, sử dụng rơm rạ vùi xung quanh gốc để hạn chế cỏ dại mọc và giữ ẩm giữ ẩm cho đất. Khi thu hái chè trong tiết trời nắng gắt, các hộ dân đều mang theo những chiếc ô to để chống nóng.
Còn ông Nguyễn Văn Đình, một hộ chuyên trồng rau màu ở phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Vào mùa nắng, nhà tôi trồng xen canh các loại rau, củ, quả để ngày nào cũng được thu hoạch và có nguồn thu ổn định. Chẳng hạn, bên dưới giàn mướp hương, nhà tôi trồng hành, tía tô, kinh giới, rau húng… Còn đối với ruộng trồng rau cải, chúng tôi dùng lưới đen để hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp; đồng thời, tưới các loại rau vào sáng sớm và chiều tối, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây.
Cùng với khuyến cáo bà con biện pháp bảo vệ cây trồng trong mùa nắng nóng, các đơn vị chức năng cũng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Hiện nay, công tác vận hành các công trình thủy lợi được đơn vị quản lý khai thác thực hiện theo đúng quy trình, vừa bảo đảm cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa duy trì chức năng điều tiết phòng, chống lũ. Bên cạnh đó, hằng năm, chúng tôi đều có kế hoạch kiểm tra hiện trạng và đề xuất sửa chữa, nâng cấp đối với các công trình bị hư hỏng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi bố trí lực lượng đảm bảo đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình đảm bảo sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.
Là đơn vị quản lý 90 hồ chứa lớn và 120 đập dâng trên địa bàn, thời điểm này, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch điều tiết phù hợp nhằm bảo đảm phục vụ sản xuất cho đến cuối vụ. Các trạm khai thác thủy lợi trực thuộc Công ty thường xuyên kiểm tra, xác định mực nước hồ và lượng nước hồ còn lại trong suốt quá trình tưới để có phương án điều tiết hợp lý. Cùng với đó, tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương; kiểm tra, xử lý kịp thời các đoạn kênh bị bể, rò rỉ để tránh thất thoát nguồn nước. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Công ty thông tin: Đến thời điểm hiện tại, chưa xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất. Từ ngày 1 đến 25-7, Công ty sẽ tiến hành mở nước trên toàn bộ hệ thống kênh hồ Núi Cốc để bà con tập trung làm đất gieo cấy lúa mùa.
Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 38.980ha lúa, trên 4.200ha ngô, trên 3.800ha rau màu các loại. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh, hiện tượng thời tiết nắng nóng cực đoan sẽ còn tiếp diễn trong một vài tháng tới. Vì vậy, cùng với việc áp dụng các giải pháp, khuyến cáo của ngành chức năng thì mỗi người dân cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để chủ động phương án sản xuất hợp lý và đảm bảo sức khoẻ trong quá trình lao động, nhất là vào những đợt nắng nóng cao điểm.