Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là đợt bùng phát ở trong nước lần thứ 4 này, không chỉ các đơn vị sản xuất kinh doanh gặp khó mà người nông dân cũng lao đao bởi nông sản khó tiêu thụ, dù giá chỉ bằng phân nữa so với các năm trước. Và câu chuyện giải quyết đầu ra cho nông sản lại được nhắc đến trên nhiều diễn đàn.
Những ngày ngày, trên các kênh thông tin tuyên truyền, diễn đàn mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đồng loạt kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Bắc Giang. Là một trong những địa phương có diễn biến dịch COVID-19 phức tạp nhất cả nước nên việc lưu thông vận chuyển nông sản của Bắc Giang qua các tỉnh, thành gặp nhiều khó khăn.
Đối với vải thiều, Bắc Giang hiện có 28.100ha, sản lượng năm nay ước đạt 180 nghìn tấn. Khi được vận chuyển đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh, trong đó có Thái Nguyên, vải thiều đến tay người tiêu dùng có giá 15.000-20.000 đồng/kg. Các loại nông sản khác của tỉnh như dưa hấu có giá 7.000 đồng/kg; dứa từ 6.000-8.000 đồng/kg… Như vậy, nếu trừ đi công thu hoạch, vận chuyển, khấu hao bị thối hỏng thì giá bán thực tế của người nông dân tại vườn không còn được là bao.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, việc tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản chủ lực cũng gặp khó khăn do dịch COVID-19. Đáng chú ý nhất là sản phẩm chè. Ở vùng chè Phú Lương, giá bán chè tươi phổ biến ở mức 15.000-17.000 đồng/kg với chè cành và 12.000-14.000 đồng/kg chè trung du (tương đương khoảng 70.000-100.000 đồng/kg chè khô). Lý do là hầu hết khách hàng mua chè ở ngoại tỉnh; hoạt động vận chuyển hàng hóa liên tỉnh chững lại do siết chặt việc quản lý người ra, vào địa phương. Tại Đại Từ, giá củ đậu ở các xã Bản Ngoại, Tiên Hội, thị trấn Hùng Sơn phổ biến ở mức 3.000-5.000 đồng/kg. Vùng trồng cây ăn quả tập trung xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) năm nay mất mùa nhãn, sản lượng vải thiều không nhiều và giá tương đối thấp. Với giá bán như vậy, trừ chi phí đầu tư, chăm sóc, nhân công thu hoạch, người nông dân hầu như không còn lãi.
Vấn đề mấu chốt hiện nay là sức mua thị trường giảm, lại gặp dịch COVID-19 tái phát ở nhiều tỉnh trong nước khiến việc thông thương gặp khó, nên nông sản lâm vào cảnh dư thừa. Để tiêu thụ nông sản, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giải pháp trước mắt là tăng cường kết nối giữa các địa phương, doanh nghiệp, siêu thị để tháo gỡ những khó khăn; quan tâm khâu bảo quản và trồng gối vụ với các loại cây ngắn ngày để không tập trung thu hoạch trong cùng thời điểm. Về lâu dài người dân và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất; đầu tư sản xuất theo các vùng chuyên canh, theo quy trình an toàn sinh học và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước vụ sản xuất. Cùng với phát triển vùng trồng nông sản phải đi đôi với chế biến hoặc xây dựng các kho lạnh để bảo quản lâu dài chờ khi nguồn cung thiếu sẽ bán ra.