Loay hoay với bài toán phát triển kinh tế

09:29, 17/06/2021

Ở xóm người Mông Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương), cây sắn từng là cây trồng mũi nhọn giúp nâng cao đời sống đồng bào. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi cây sắn không còn phát huy hiệu quả, chính quyền và người dân địa phương lại phải đối mặt với khó khăn trong việc tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế.

Xóm Đồng Tâm có 70 hộ, trong đó 60 hộ là người dân tộc Mông (chiếm gần 86%). Theo chia sẻ của bà con nơi đây, trước kia, hầu hết người dân trong xóm trồng ngô để duy trì cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, do điều kiện đất đai cằn cỗi nên cây ngô còi cọc, năng suất thấp. Năm 2002, được sự hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn), bà con nhân dân trong xóm đã chuyển đổi sang trồng sắn. Những năm sau đó, sản phẩm sắn ở Đồng Tâm còn được các doanh nghiệp trong tỉnh và thương lái tìm đến tận nơi thu mua với giá cao.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây trồng này đem lại, người dân tiếp tục mở rộng diện tích và đạt khoảng hơn 40ha vào năm 2016. Trò chuyện với chúng tôi, chị Dương Thị Sía, người dân xóm Đồng Tâm chia sẻ: Từ năm 2016 trở về trước, với 5.000m2 sắn, trung bình mỗi năm tôi thu được khoảng 13 tấn củ tươi. Với giá bán dao động từ 1.200 đến 1.500/kg, mỗi năm, gia đình tôi thu được lợi nhuận khoảng gần 13 triệu đồng/năm. Nhờ cây sắn, gia đình tôi có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua xe máy, ti vi và thoát nghèo vào năm 2016.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2017 đến nay, diện tích sắn ở Đồng Tâm liên tục giảm mạnh. Nói về nguyên nhân khiến người dân không còn mặn mà với cây trồng này, ông Lý Văn Sài, Trưởng xóm Đồng Tâm cho hay: Vài năm trở lại đây, chúng tôi chủ yếu bán sắn tươi cho thương lái với giá rất bếp bênh vì các doanh nghiệp bao tiêu trước đây không còn hoạt động. Ngoài ra, do tập quán sản xuất lạc hậu, chỉ trồng cây chứ chưa chú trọng chăm sóc, cải tạo đất nên sau nhiều năm, đất trồng sắn ngày càng cằn cỗi, sản phẩm thu hoạch được có chất lượng và năng suất thấp. Do đó, việc tìm đầu ra lại càng khó khăn.

Có thể thấy, trình độ sản xuất lạc hậu chính là rào cản lớn trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ở xóm Đồng Tâm hiện nay. Mặc dù, các cấp chính quyền đã có nhiều chương trình hỗ trợ về cây, con giống, phân bón…, triển khai thí điểm mô hình cây có giá trị kinh tế cao tại địa phương nhưng người dân vẫn chưa mặn mà.

Do cây sắn không còn phát huy hiệu quả nên hầu hết các hộ dân trong xóm đã phá bỏ để chuyển sang trồng ngô và keo. Tuy nhiên, nếu so với cây sắn thì 2 loại cây trồng trên không đem lại hiệu quả kinh tế cao bằng. Bởi lẽ, diện tích sản xuất lâm nghiệp của xóm không nhiều, trong khi chu kỳ sinh trưởng của cây keo là khoảng 5 năm trở lên. Còn đối với cây ngô thì thị trường tiêu thụ bấp bênh; đồng thời, do tập quán sản xuất lạc hậu và đất đai cằn cỗi nên chất lượng nông sản của người dân cũng thấp.

Ngoài ra, vấn đề nguồn nước sản xuất cũng là một trong những khó khăn lớn đối với việc phát triển sản xuất ở Đồng Tâm. Hiện, trên địa bàn xóm chỉ có 1 trạm bơm đã được đầu tư xây dựng từ khoảng năm 2002. Sau nhiều năm sử dụng, hệ thống đường ống dẫn nước đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng. Chị Lý Thị Kia, người dân xóm Đồng Tâm nói: Nước chỉ tới chân ruộng của một số hộ dân gần trạm bơm. Còn lại, phần lớn các hộ trong xóm đều không có nước tưới thường xuyên nên chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa. Năm nào mưa nhiều thì cây phát triển tốt, còn nếu thời tiết nắng nóng kéo dài thì đất sản xuất luôn trong tình trạng khô cằn.

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển kinh tế tại xóm Đồng Tâm, ông Nhâm Văn Núi, Phó Chủ tịch UBND xã Động Đạt cho biết: Hiện nay, UBND xã đang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai mô hình trồng thí điểm cây dược liệu ở xóm Đồng Tâm. Trước mắt, chúng tôi đang vận động các vận động đảng viên trong chi bộ xóm tham gia mô hình với diện tích 6.000m2.

 Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã được triển khai thành công ở một số xóm trong xã. Ngoài ra, xã cũng đang đề nghị UBND huyện quan tâm xây dựng trạm bơm, bể chứa có công suất lớn hơn để đảm bảo nguồn nước tưới thường xuyên cho bà con yên tâm sản xuất. Cùng với đó, chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chuyên môn tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi để từ đó, thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào.