Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên động vật ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều loại bệnh mới xuất hiện trên đàn vật nuôi khiến ngành chăn nuôi gặp khó khăn. Trước tình hình đó, huyện Định Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị chức năng bám sát địa bàn để tham mưu những chính sách, thực hiện điều chỉnh phù hợp nhằm phát triển.
Dù cơn “bão” dịch tả lợn châu Phi đã qua đi, nhưng gia đình ông Lưu Đức Chiều, xóm Khuôn Câm, xã Quy Kỳ vẫn chưa hết xót xa khi nhắc lại việc phải tiêu hủy gần 300 con lợn, trong đó có tới 22 con lợn nái. Ông Chiều rầu rĩ: Việc tiêu hủy toàn bộ trại lợn đã khiến nhà tôi mất phần lớn số vốn đã đầu tư vào chăn nuôi lợn, kinh tế gia đình lao đao. Đến nay, khi dịch đi qua, gia đình tôi đã tái đàn nhưng số lượng chỉ bằng một nửa so với trước kia, đồng thời chăn nuôi thêm trâu, bò để giảm thiểu rủi ro.
Còn đối với ông Luân Văn Tùng, xóm Làng Hoèn, xã Phúc Chu, 2 con bò bị mắc viêm da nổi cục buộc phải tiêu hủy trong đợt dịch bệnh đầu năm nay cũng là tài sản lớn nhất của gia đình. Ông Tùng bộc bạch: Bò không còn, hiện nay tôi vẫn đang hoangmang, chưa biết sẽ chăn nuôi con gì để không bị rủi ro. Trải qua các đợt dịch bệnh trên đàn vật nuôi từ năm 2019 đến nay, huyện Định Hóa đã tiêu hủy khoảng hơn 15.600 con lợn, trên 40 con trâu, bò và hơn 400 con gia cầm. Trước những tác động nặng nề bởi tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời gian qua, huyện Định Hóa đã có những điều chỉnh kịp thời nhằm khoanh vùng, dập dịch, tạo điều kiện cho bà con ổn định chăn nuôi.
Ông Ma Đình Dũng, Trưởng phòng Nông Nghiệp và PTNT huyện cho biết: Do điều kiện kinh tế và trình độ chăn nuôi, sản xuất còn hạn chế nên bà con trong huyện chủ yếu vẫn chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát khiến tình hình dịch bệnh càng thêm khó kiểm soát. Để bà con yên tâm chăn nuôi, thời gian này, mục tiêu hàng đầu của huyện là nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi thông qua việc triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng, định hướng người dân chăn nuôi các giống vật nuôi ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, có sức đề kháng tốt. Đồng thời, có biện pháp khống chế, khoanh vùng ngay khi có dịch xuất hiện, khuyến khích, tạo cơ chế thuận lợi giúp bà con tái đàn khi dịch đã qua đi.
Về mục tiêu dài hạn, huyện Định Hóa khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ liên kết sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển chăn nuôi từ quy mô vừa trở lên nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, huyện đang xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư vào 2 khu quy hoạch chăn nuôi tập trung tại xã Phú Tiến (150ha) và Bình Thành (250ha). Các khu quy hoạch này sẽ sử dụng công nghệ cao, đảm bảo các yếu tố về môi rường và an toàn dịch bệnh. Mới đây, tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, huyện Định Hóa đã kiến nghị Bộ tiếp tục có những cơ chế hỗ trợ để người chăn nuôi nhanh chóng vượt qua dịch bệnh, tái đàn, ổn định sản xuất.
Bên cạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm, huyện cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT giới thiệu các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi tại địa phương; sớm có hướng dẫn về kiện toàn hệ thống thú y cấp huyện... Qua buổi làm việc, đại diện Công ty CP GreenFeed Việt Nam cũng đã đồng ý đầu tư vào vùng quy hoạch chăn nuôi tại xã Bình Thành với quy mô khoảng 100ha. Cùng với đó, huyện Định Hóa cũng đang tích cực đưa những vật nuôi mới vào chăn nuôi thử nghiệm như: Chim bồ câu Pháp, hươu, thỏ, dê… Thông qua các dự án, mô hình này, huyện hướng tới phát triển đa dạng ngành chăn nuôi, lựa chọn các loại vật nuôi có tiềm năng, giá trị và ít bị tác động bởi dịch bệnh để hân rộng. Từ đó, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị của ngành chăn nuôi.