Nông dân vùng chè Phú Lương lao đao

07:14, 05/06/2021

Chưa vơi bớt những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời điểm này, người dân các vùng chè của huyện Phú Lương lại tiếp tục phải đối mặt với việc giá thu mua chè giảm, thị trường tiêu thụ bị đình trệ.

Chè là cây trồng chủ lực của huyện Phú Lương và cũng là mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Bởi lẽ hoạt động tiêu thụ sản phẩm chè chủ yếu phụ thuộc vào các thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu. Chị Tống Thị Xuyến, Giám đốc Hợp tác xã chè an toàn Hoan Xuyến, xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh cho biết: Có tới 80% sản lượng chè của Hợp tác xã được bán cho các khách hàng ở tỉnh ngoài. Vì vậy, trong các đợt khi dịch COVID-19, việc tiêu thụ của chúng tôi bị đình trệ.

So với những đợt dịch trước đây, đợt dịch lần thứ 4 này ảnh hưởng nặng nề nhất đến hoạt động sản xuất và kinh doanh chè của Hợp tác xã, bởi trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Do đó, nhiều khách hàng khá e dè khi đặt hàng; các mối hàng quen thì giảm số lượng đơn hàng xuống chỉ còn một nửa vì tiêu thụ chậm; hoạt động vận chuyển hàng hóa liên tỉnh cũng chững lại bởi các địa phương đã siết chặt việc quản lý người ra, vào địa phương. Không chỉ vậy, giá bán ra cũng giảm từ 30 đến 40 nghìn đồng/kg và đang có xu hướng tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Cũng đối mặt với những khó khăn trong sản xuất và kinh doanh chè, anh Nguyễn Thái Ninh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất trà an toàn Thái Ninh, xóm Minh Hợp, xã Tức Tranh cho hay: Thị trường tiêu thụ sản phẩm chè của Hợp tác xã chủ yếu ở ngoài tỉnh, trong đó các thị trường lớn gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang... đều đang là điểm nóng về dịch COVID-19. Từ khi dịch bùng phát mạnh ở Bắc Giang và xuất hiện các ca nhiễm tại Thái Nguyên thì việc vận chuyển hàng hóa của hợp tác xã khá khó khăn.

Từ đầu tháng 5 đến nay, chúng tôi có khoảng 10 đơn hàng liên tỉnh bị trả lại do không được vận chuyển hàng hóa vào một số địa phương. Bên cạnh đó, thời gian vận chuyển cũng bị kéo dài hơn khoảng 6 đến 8 ngày so với thời điểm không có dịch bệnh. Với những khó khăn như vậy nên dù chè đang vào vụ thu hoạch lứa thứ 2 trong năm với năng suất, chất lượng đạt cao nhưng chúng tôi lại rất lo lắng vì không biết có tiêu thụ được không. 

Không riêng 2 hợp tác xã trên, hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và người làm chè trên địa bàn huyện Phú Lương cũng đang “lao đao” trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Ông Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin: Dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây đã khiến giá chè bán ra trên địa bàn huyện giảm từ 10 đến 15%. Việc tiêu thụ các sản phẩm chè cũng chậm hơn, đặc biệt là những đơn hàng xuất bán ra các tỉnh ngoài. Đặc biệt, nhu cầu của thị trường về những mặt hàng chè được đóng gói bao bì, nhãn mác cũng giảm mạnh.

Để ứng phó với những tác động của dịch bệnh và thị trường, nhiều người dân, cơ sở sản xuất đã thực hiện linh hoạt một số giải pháp để chè không bị tồn đọng và giữ được chất lượng sản phẩm. Ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc, xóm Tân Thái, xã Tức Tranh cho biết: Phần lớn các sản phẩm chè của chúng tôi đều được phân phối ở thị trường phân khúc trung và cao cấp nên giá thành tương đối cao. Tuy nhiên, thời điểm này, nhu cầu của khách hàng giảm mạnh nên chúng tôi đã phải hạ giá thành sản phẩm và chuyển hướng cung ứng ra các thị trường có phân khúc thấp hơn. Ngoài ra, đối với sản lượng chè chưa xuất bán được, chúng tôi cũng thực hiên bảo quản trong phòng lạnh để sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Có thể khẳng định, chè vẫn đang là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều người dân trên địa bàn huyện Phú Lương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 gây tác động tiêu cực đến thị trường tiêu thụ sản phẩm chè đã ảnh hưởng đến nguồn thu của hàng nghìn hộ dân. Để cây chè có thể phát triển ổn định thì điều cần nhất trong lúc này là giải quyết khó khăn trước mắt cho người nông dân. Đó là việc tìm kiếm những thị trường mới, ổn định hơn ở thời điểm hiện tại. Đồng thời, mở rộng các kênh bán hàng, giới thiệu sản phẩm bằng hình thức trực tuyến. Thêm vào đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng chè, đẩy mạnh chế biến, liên kết; phân khúc sản phẩm; chú trọng phát triển các sản phẩm mới, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm chất lượng sản phẩm chè truyền thống.