Mạnh dạn đầu tư nhà lưới sản xuất nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Tuấn ở xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá (Võ Nhai) có thể thu về trên 200 triệu đồng mỗi năm từ trồng dưa lưới và cây màu vụ Đông.
Năm 2019, sau khi được UBND xã Tràng Xá đưa đi tham quan, học hỏi các mô hình nông nghiệp an toàn trong nhà lưới, anh Tuấn quyết định vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển mô hình này. Với số vốn vay ngân hàng và tiền tích góp của gia đình, anh Tuấn đầu tư hơn 100 triệu đồng làm trên 500m2 nhà lưới cùng hệ thống tưới phun tự động hiện đại. Vụ đầu tiên, anh Tuấn thuê chuyên gia về hướng dẫn và chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc dưa lưới - một loại cây có năng suất, giá trị kinh tế cao, giá bán thành phẩm có thể đạt từ 40-60 nghìn đồng/kg.
Nhờ hệ thống lưới bao quanh, diện tích dưa của gia đình anh Tuấn ngăn được côn trùng xâm nhập, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhà lưới cũng cản được tốc độ rơi của nước khi trời mưa to, giảm nguy cơ ảnh hưởng với cây trồng. Cùng với đó, hệ thống tưới phun tự động cũng giúp anh Tuấn giảm đáng kể công lao động, đồng thời nâng cao hiệu quả gieo trồng bởi lượng nước tưới được điều chỉnh phù hợp theo từng thời điểm sinh trưởng của cây.
Chỉ sau hơn 3 tháng gieo trồng, cây dưa lưới đã thể hiện sự thích nghi cao với điều kiện sinh trưởng trong nhà lưới và cho thu hoạch tới gần 3 tấn quả. Với giá bán từ 40-50 nghìn đồng/kg, ngay vụ đầu tiên, sau khi trừ chi phí giống, nhân công, anh Tuấn đã thu về gần 100 triệu đồng. Tiếp thu được kỹ thuật từ các chuyên gia, năm 2020, anh Tuấn tiếp tục bắt tay vào canh tác trong nhà lưới và gieo trồng thành công 2 vụ dưa lưới, 1 vụ rau màu thu về gần 10 tấn nông sản các loại, thu lãi khoảng 250 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Tuấn chia sẻ: Cây dưa lưới trồng trong nhà lưới có ưu điểm là thời gian sinh trưởng ngắn, hệ số quay vòng nhanh, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đây là loại cây đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, tỉ mỉ, thường xuyên nhằm ngăn ngừa các loại bệnh gây hại và cắt tỉa phù hợp để cây sinh trưởng tốt, khả năng đậu quả nhiều. Thường mỗi năm, tôi canh tác hai vụ dưa lưới và một vụ hoa hoặc rau vụ đông. Thời gian còn lại, tôi dành khoảng gần 3 tháng để cải tạo đất.
Là xã nông nghiệp, Tràng Xá rất khuyến khích nông dân phát triển các mô hình kinh tế, đặc biệt là mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. UBND xã thường xuyên tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế và mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Ngoài mô hình nhà lưới của gia đình anh Tuấn, xã Tràng Xá hiện có thêm 2 hộ khác đã đầu tư nhà lưới trồng cây ăn quả và rau màu đem lại hiệu quả cao.
Ông Nông Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: So với canh tác truyền thống, hệ thống chăm sóc cây trồng trong nhà lưới hiện đại mang lại nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm công lao động, tăng năng suất cây trồng. Việc ứng dụng mô hình nhà lưới vào sản xuất như gia đình anh Tuấn không chỉ mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp ở địa phương mà còn là chiến lược sản xuất nông nghiệp bền vững trong tương lai mà xã đang hướng tới. Hiện nay, chúng tôi đã kiến nghị với huyện và các ngành chức năng có những hỗ trợ phù hợp để có thể nhân rộng mô hình trên địa bàn xã.
Chừng hai tuần tới đây, vụ dưa lưới đầu tiên trong năm của gia đình anh Tuấn sẽ cho thu hoạch với sản lượng dự kiến đạt cao hơn cả các vụ trước, ước đạt khoảng 3 tấn quả. Theo giá thị trường, anh Tuấn sẽ thu về hơn 100 triệu đồng lợi nhuận. Làm chủ quy trình trồng, chăm sóc dưa lưới và cây trồng trong nhà lưới, anh Tuấn dự kiến sẽ mở rộng gấp hai lần diện tích nhà lưới trong năm nay. Cùng với gần 3ha bưởi bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 9 tới đây, anh Tuấn đã trở thành một trong những nông dân tiêu biểu, đi đầu của xã Tràng Xá trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.