Đảm bảo chất lượng giống cây lâm nghiệp

08:59, 08/09/2021

Những năm gần đây, phong trào trồng rừng phát triển mạnh trên địa bàn huyện Định Hóa. Do đó, nhu cầu về giống cây lâm nghiệp của bà con cũng ngày một lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn trong việc quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp, đảm bảo chất lượng cây giống trước khi đến tay người dân.

Mỗi năm, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Định Hóa trồng mới khoảng 1.000ha rừng. Các loại cây được trồng chủ yếu là quế, keo, mỡ. Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện hiện đạt khoảng 60%. Để đáp ứng nguồn cây giống cho hoạt động trồng rừng, trên địa bàn có 22 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, mỗi năm cung cấp khoảng trên 5 triệu cây giống. Số lượng này cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trồng rừng của người dân. 

Để đảm bảo chất lượng rừng trồng, hằng năm, UBND huyện Định Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường quản lý giống cây lâm nghiệp, khuyến khích các cơ sở sản xuất giống mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, kỹ thuật chăm sóc cây giống.

Ông Nguyễn Duy Định, chủ một cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp tại thị trấn Chợ Chu cho biết: Mỗi năm, cơ sở của tôi cung ứng ra thị trường gần 400.000 cây giống, trong đó, trên 50% là cây quế. Các lô cây giống đều có biển tên rõ ràng, có sổ nhật ký theo từng lô, từng luống, tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng quản lý, giám sát và cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống. Cùng với đó, chúng tôi tiến hành đảo bầu theo đúng quy trình để cây giống đạt chất lượng về kích cỡ, tiêu chuẩn, đảm bảo tỷ lệ sống cao.

Còn đối với cơ sở sản xuất của anh Dương Văn Nam, xã Tân Thịnh, vài năm trở lại đây, cơ sở chỉ tập trung sản xuất cây keo giống với số lượng khoảng trên 300.000 cây mỗi năm. Ngoài các giống cây gieo hạt, cơ sở còn sản xuất các giống keo nuôi cấy mô với nhiều ưu điểm, như: Cây phát triển 1 thân, không chẻ ngọn như keo thường, rễ cọc chắc chắn nên hạn chế gãy đổ, cây không bị rỗng ruột nên sẽ có ưu thế hơn khi trồng rừng gỗ lớn.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những năm trước đây, do nhu cầu trồng rừng của người dân tăng cao nên trên địa bàn huyện Định Hóa xuất hiện khá nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tự phát. Một số cơ sở không xin cấp phép, sản xuất giống dựa trên kinh nghiệm mà không được tập huấn về khoa học – kỹ thuật nên chất lượng giống không đồng đều. 

Bên cạnh đó, do các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên người dân phải tìm mua giống cây từ nhiều nguồn khác nhau, nên việc kiểm soát chất lượng gặp khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều diện tích rừng trồng mới trên địa bàn trong các năm trước đây có tỷ lệ cây sống chỉ đạt khoảng 70%, cá biệt có những vạt rừng chỉ đạt 40-50%... 

Tuy nhiên, những năm gần đây, công tác quản lý giống cây lâm nghiệp trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Việc sản xuất giống tràn lan, thiếu kiểm soát đã dần được khắc phục, tình trạng cây giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được xử lý triệt để.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Ban kiêm Hạt trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa thông tin: Hằng năm, chúng tôi thành lập đoàn công tác trực tiếp đến từng cơ sở để kiểm tra cũng như yêu cầu các cơ sở chứng minh xuất xứ nguồn giống hợp quy, hợp chuẩn về sản xuất cây giống. Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành cấp cây giống, phân bón cho bà con theo đúng tiến độ, thời vụ trồng rừng. Đồng thời, cử cán bộ xuống cơ sở để hướng dẫn người dân thực hiện các khâu: Xử lý thực bì, lấp hố, trồng và chăm sóc rừng theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ kiểm soát tốt chất lượng giống cây lâm nghiệp và nâng cao kỹ thuật trồng rừng, khoảng 3 năm trở lại đây, tỷ lệ cây sống của huyện đạt khoảng 85%.

Cùng với đẩy mạnh công tác quản lý giống cây lâm nghiệp, huyện Định Hóa cũng khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, đưa cây quế trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, tạo vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các cấp, ngành liên quan đôn đốc các ban phát triển rừng cơ sở hướng dẫn bà con chuẩn bị tốt điều kiện cần thiết, bảo đảm tiến độ trồng rừng hàng năm.