Cuối tháng 7, đầu tháng 8 hằng năm là thời điểm các hộ chăn nuôi thường tập trung đầu tư tái đàn để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay, do giá cám tăng cao và lo ngại sản phẩm khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều hộ đã giảm đàn, chăn nuôi cầm chừng, thậm chí bỏ trống chuồng.
Nếu như thời điểm đầu năm 2021, gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, ở xóm 11, xã Tân Linh (Đại Từ) vẫn duy trì nuôi trên 800 con lợn thì hiện tại chỉ còn 200 con, trong đó có 100 con lợn nái. Anh Thắng bày tỏ: Năm nay, giá cám tăng quá cao, từ 250 nghìn đồng/bao (loại 25kg) lên 330 nghìn đồng/bao, cộng thêm chi phí con giống, vắc-xin, điện, nước… “đẩy” chi phí sản xuất lên cao. Theo tính toán, giá lợn hơi phải đạt từ 56-58 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi mới hòa vốn. Trong khi đó, ngày 30-8 vừa qua, nhà tôi vừa xuất bán 500 con lợn với giá 50 nghìn đồng/kg lợn hơi, thua lỗ hơn 300 triệu đồng. Vì thế, từ nay đến cuối năm, tôi sẽ cắt giảm đàn chỉ còn 100 con chứ không dám mở rộng quy mô nuôi.
Không chỉ chăn nuôi lợn, các hộ nuôi gà cũng đang trong tình trạng vừa nuôi vừa nghe ngóng thông tin thị trường. Anh Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Toàn Thắng, ở xã Bộc Nhiêu (Định Hóa) chia sẻ: Trung bình mọi năm, chúng tôi duy trì tổng đàn khoảng 10 nghìn con gà nhưng hiện tại chưa đạt 4 nghìn con. Do giá cám tăng khiến chi phí chăn nuôi bị “đội” lên, giá gà phải đạt trên 65 nghìn đồng/kg chúng tôi mới có lãi nhưng hiện tại chỉ bán được từ 58-60 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, việc vận chuyển gà đi tiêu thụ ở các tỉnh khác cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bởi vậy, bà con cũng không dám chăn nuôi nhiều do lo ngại đầu ra gặp khó.
Còn ông Nguyễn Văn Ích, Trưởng xóm Thượng, xã Bảo Lý (Phú Bình) thông tin: Chưa năm nào các hộ chăn nuôi lại gặp khó như hiện nay. Giá gà giảm mạnh lại khó tiêu thụ, trong khi đó, giá cám tăng cao khiến nhiều hộ thua lỗ. Trung bình mọi năm, tổng đàn gà của xóm có trên dưới 10 nghìn con nhưng năm nay đa số các hộ đều bỏ trống chuồng.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, năm nay, việc tái đàn ở các hộ chăn nuôi diễn ra khá dè dặt. Nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chi phí đầu vào tăng, trong khi giá bán thịt lợn, thịt gà đều giảm xuống dưới mức giá thành. Bên cạnh đó, bà con cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm do các nhà hàng, bếp ăn tập thể tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19. Thêm vào đó, hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn số lượng lớn vật nuôi chưa tiêu thụ được. Cùng với đó, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm… mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình cho biết: Ðể hạn chế rủi ro, người chăn nuôi cần cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, thị trường cũng như khuyến cáo của các ngành chức năng về việc thực hiện nghiêm túc các quy định trong chăn nuôi. Ngoài nhập con giống rõ nguồn gốc, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, bà con cần thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và bổ sung thêm thức ăn từ ngô, cám, sắn… để giảm chi phí.
Trước thực trạng tái đàn dè dặt như hiện nay, để góp phần giúp người chăn nuôi phục hồi sản xuất cũng như đảm bảo an toàn trong chăn nuôi nhằm cung ứng cho nguồn thực phẩm phục vụ thị trường Tết, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản đang phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch tiêm phòng gia súc đợt 2 năm 2021. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ thú y viên, tăng cường hoạt động của hệ thống mạng lưới thú y cơ sở.
Về phía Liên minh hợp tác xã tỉnh cũng đã tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ cho một số hợp tác xã. Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản: Hiện nay, giá cám tăng cao nên các hộ chăn nuôi cần tính toán vào đàn hợp lý, đồng thời, phải đảm bảo khâu an toàn sinh học và phòng, chống dịch bệnh để hạn chế tối đa chi phí sản xuất.