Cùng với quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn T.P Thái Nguyên ngày càng bị thu hẹp. Thành phố hiện còn trên 10.800ha đất sản xuất nông nghiệp (giảm khoảng 10% so với năm 2015). Chính vì vậy, giải pháp của địa phương là tập trung sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước ứng dụng công nghệ cao, tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế nông nghiệp.
Nói đến sản xuất nông nghiệp ở T.P Thái Nguyên không thể không nhắc đến cây chè, cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, toàn thành phố có 1.570ha chè, tập trung nhiều ở các xã: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân... Để nâng cao giá trị sản xuất chè, T.P Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp, như: Khuyến khích người dân đưa vào trồng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao thay thế những diện tích chè già cỗi, kém năng suất; hỗ trợ máy móc chăm sóc, sản xuất, chế biến, đóng gói và bảo quản chè; sản xuất chè theo các tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, UTZ)…
Từ năm 2017 đến nay, thành phố đã hỗ trợ khoảng 7 tỷ đồng để người dân mua sắm máy móc, thiếu bị sản xuất, chế biến sản phẩm chè. Cụ thể, hỗ trợ 31 máy sao chè bằng gas, 9 máy hút chân không, 1 máy ủ hương, 1 máy đóng gói, 2 máy dệt men….
Ngoài ra, thành phố khuyến khích người dân tham gia vào các mô hình tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) nhằm tạo chuỗi liên kết, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè. Trên địa bàn thành phố hiện có 43 THT, HTX sản xuất, kinh doanh chè, giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều HTX đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến; linh hoạt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên đạt doanh thu cao (từ 3-10 tỷ đồng mỗi năm). Đơn cử như: HTX chè Hảo Đạt; HTX chè Tâm Trà Thái, HTX chè Thắng Hường,…
Anh Bùi Trọng Đại, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương chia sẻ: HTX đang triển khai mô hình sản xuất kết hợp du lịch trải nghiệm vùng trà đặc sản. Theo đó, du khách có thể thưởng trà, trải nghiệm việc thu hái, sao sấy, đóng gói sản phẩm. Đồng thời lựa chọn các sản phẩm để uống hoặc làm quà biếu, với mức giá từ 300 nghìn đồng đến 5 triệu đồng/kg.
Cùng với cây chè, T.P Thái Nguyên đã quy hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất rau, cây ăn quả, hoa ứng dụng công nghệ cao, tập trung ở các xã phía Đông, như: Linh Sơn, Đồng Bẩm, Đồng Liên... Thành phố hiện có 60ha trồng hoa, trong đó, có khoảng 30ha ứng dụng công nghệ cao; 32,5ha cây ăn quả, 11ha rau được sản xuất theo quy trình VietGAP, chiếm khoảng 50% tổng diện tích cây ăn quả, rau trên địa bàn. Đến nay, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt của thành phố đạt 135 triệu đồng (tăng 20 triệu đồng/ha so với năm 2015); sản lượng chè búp tươi đạt 22.100 tấn/năm (tăng 2 tấn so với năm 2015).
Ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thành phố đã xây dựng các đề án theo từng giai đoạn và lên kế hoạch phân bổ đầu tư hợp lý. Giai đoạn 2021-2025, thành phố đã phê duyệt 2 đề án, gồm Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng. Thời gian tới, T.P Thái Nguyên sẽ tiếp tục rà soát những diện tích đất lúa canh tác kém hiệu quả để người dân chuyển đổi sang trồng chè, cây ăn quả nhằm nâng cao giá trị. Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hỗ trợ người dân đăng ký tham gia Chương trình OCOP; tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nhằm kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm…