Những ngày này, trên nhiều cánh đồng của các địa phương trong tỉnh đã rực lên màu vàng của lúa chín, máy gặt đập liên hoàn “càn” qua đến đâu, ruộng chỉ còn trơ lại gốc rạ đến đó. Vui vì vụ mùa thắng lợi nhưng bà con nông dân cũng không quên nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 và sẵn sàng cho sản xuất vụ đông.
Đến cánh đồng xóm La Cảnh 1, xã Bá Xuyên (T.P Sông Công), chúng tôi bắt gặp không khí nhộn nhịp thu hoạch lúa mùa của bà con. Hối hả khuân những bao thóc nặng chịch chuyển lên bờ, bà Đặng Thị Thái, một hộ dân trong xóm phấn khởi: Nhà tôi cấy 3 sào lúa giống Đài Thơm 8, năng suất được hơn 2 tạ/sào, cao hơn năm ngoái 0,2 tạ/sào. Do áp dụng cơ giới hóa nên các công đoạn như: Làm đất, thu hoạch, bà con chúng tôi không phải vất vả như trước đây nữa vì đã có máy móc hỗ trợ. Với giá thuê là 150 nghìn đồng/sào, chúng tôi chỉ việc chờ rồi chở thóc về nhà. Thời điểm này, để phòng, chống dịch COVID-19, cả người lái máy gặt và bà con đều đeo khẩu trang nghiêm túc, chúng tôi cũng hạn chế ngồi tụ tập nói chuyện như các năm trước mà giữ khoảng cách với nhau.
Giống như ở T.P Sông Công, thời điểm này, trên các cánh đồng của huyện Phú Bình, những ruộng lúa mùa sớm chín vàng óng cũng đang được bà con khẩn trương thu hoạch để còn giải phóng đất trồng cây màu vụ đông. Bà Đào Thị Lịch, ở xóm Qoại, xã Tân Đức chia sẻ: 6 sào lúa J02 của nhà tôi năm nay được mùa, bông lúa dài, trĩu hạt. Đầu vụ, lúa bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại nhưng tôi đã tiến hành phòng trừ kịp thời và giảm bớt lượng phân đạm để cây lúa khỏe, hạn chế sâu bệnh. Gặt xong, nhà tôi sẽ cày ải đất để sau đó tiến hành trồng ngô, rau vụ đông.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình cho biết: Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã phối hợp với các xã, thị trấn chuẩn bị tốt nhất về số lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… phục vụ sản xuất. Đồng thời, khuyến cáo bà con gieo cấy đúng khung thời vụ, áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến SRI, quan tâm tới công tác phòng, trừ sâu bệnh hại lúa. Các địa phương cũng đã tiến hành tu sửa hệ thống kênh mương, quản lý điều tiết hợp lý nguồn nước phục vụ sản xuất. Nhờ vậy, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh gây hại hơn mọi năm.
Không chỉ Phú Bình, T.P Sông Công mà tại các địa phương khác trong tỉnh như: Đại Từ, T.X Phổ Yên, Đồng Hỷ, Phú Lương… bà con nông dân cũng đang tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa mùa sớm theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Được biết, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được gần 39.450ha lúa, đạt 101% kế hoạch; năng suất ước đạt 54,6 tạ/ha, bằng 103% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Có được kết quả trên là do ngành Nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đã bố trí cơ cấu giống, khung thời vụ phù hợp với điều kiện thực tế; khuyến khích bà con chuyển dịch cơ cấu giống lúa theo hướng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật như thâm canh cải tiến SRI, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Cùng với đó, làm tốt công tác dự tính, dự báo sâu bệnh, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ kịp thời. Tính đến ngày 22-9, bà con nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được gần 30% diện tích lúa mùa.
Hiện cũng đang là thời điểm mùa mưa bão nên ông Triệu Đức Nghĩa, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật khuyến cáo: Bà con cần thu hoạch nhanh gọn lúa mùa để giải phóng đất theo phương châm “sáng lúa, chiều cây vụ đông”. Cùng với đó, bà con lựa chọn cơ cấu giống phù hợp và tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như: Ươm ngô giống trong bầu để tranh thủ thời gian xuống giống; sử dụng giống ngắn ngày để đẩy nhanh tiến độ, mở rộng diện tích các giống ngô nếp, ngô ngọt có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt; đảm bảo gieo trồng tối đa diện tích và nâng cao giá trị sản xuất vụ đông.