Thêm một mùa Đông rét mướt nữa lại tràn về, cây cối trút lá, ngủ vùi đợi Xuân. Lẽ thường, các nương chè cũng chung quy luật ấy. Thế nhưng, ở các vùng chè từ Tân Cương đến La Bằng, Tức Tranh, Sông Cầu, rồi đến Trại Cài - Minh Lập… nhiều nương chè vẫn tua tủa búp non. Đấy là nhờ người trồng chè đã chủ động trong việc làm chè Đông. Chỉ riêng việc “đi ngược quy luật” ấy thôi đã phần nào cho thấy những bước chuyển của người làm chè trên địa bàn tỉnh.
Rót chén trà sóng sánh như màu nắng hiếm hoi của những ngày Đông mời khách, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Dương Sơn Hà bắt đầu câu chuyện với tôi về chè Thái Nguyên ở thời điểm hơn 10 năm trước. Khi ấy, tỉnh ta bắt đầu đẩy mạnh việc cải tạo và thay thế giống chè cũ bằng các giống mới cho năng suất và chất lượng cao hơn. Song trùng với đó, một nhiệm vụ khác được đặt ra là gìn giữ giống chè trung du ở Tân Cương (T.P Thái Nguyên).
Sau đó khoảng chừng 5 đến 7 năm, tức là vào khoảng năm 2017, có thể coi đó là thời điểm kết thúc một giai đoạn, chè giống mới của Thái Nguyên đã đạt gần 80%. Hơn 20% còn lại vẫn là giống chè trung du.
Cũng trong thời gian này, tỉnh phê duyệt Đề án Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020. Mục tiêu chính của Đề án là đẩy mạnh phát triển vùng chè tập trung bằng những giống có năng suất, chất lượng cao. Chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ chè. Một điểm nữa mà tỉnh đặc biệt quan tâm đó là vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất.
Vậy, chúng ta thử “soi” lại các chỉ số được đề ra trong Đề án khi đó so sánh với những gì chúng ta đang có hiện nay để xem mục tiêu của Đề án đạt hiệu quả đến đâu? - Tôi đề nghị. Phó Giám đốc Dương Sơn Hà vui vẻ hưởng ứng.
Mong muốn khi ấy là trên địa bàn tỉnh hình thành các vùng sản xuất chè tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao, sản xuất chè theo quy trình VietGAP, sản xuất chè hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Cụ thể, giai đoạn 2017-2020, trồng mới, trồng thay thế 3.200ha chè bằng các giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu cao. Phấn đấu giai đoạn 2017-2020, hỗ trợ chứng nhận VietGAP (GAP khác) 300ha/năm trở lên; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm 50 cơ sở/năm…
100% doanh nghiệp, HTX đưa máy móc vào chế biến sản phẩm chè.
Và thực tế hiện nay chúng ta đã có những gì? Như chỉ chờ câu hỏi đó, đồng chí Phó Giám đốc Sở tươi rói: Thái Nguyên hiện nay có diện tích chè lớn nhất toàn quốc, khoảng 22.500ha (khoảng 80% diện tích trong số này là chè kinh doanh), năng suất chè cũng cao nhất toàn quốc với 115 tạ/ha (trung bình toàn quốc khoảng 80 - 85 tạ/ha). Sản lượng chè Thái Nguyên đạt trên 240 nghìn tấn. Diện tích đủ điều kiện chứng nhận VietGAP, hữu cơ trên địa bàn tỉnh hiện nay là khoảng 6.000ha. Cơ bản những vùng chè sản xuất tập trung đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho chè. Chính nhờ sự chủ động này nên nhiều nơi làm được chè vụ Đông, đồng thời nâng cao được chất lượng của chè.
Còn vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất và chế biến sản phẩm chè?
Về vấn đề này thì thực sự đáng mừng. Phó Giám đốc Dương Sơn Hà vừa rót thêm cho tôi chén trà vừa thông tin: Sở Nông nghiệp và PTNT hàng năm đều phê duyệt Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với những cây chủ lực như cây chè, chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu ở nơi sản xuất tại vùng chè tập trung và lấy mẫu ở cơ sở sản xuất kinh doanh để kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật xem có vượt ngưỡng cho phép theo thông tư của Bộ Y tế không. Việc lấy mẫu sẽ được thực hiện ngẫu nhiên. Điều rất mừng là dù mỗi năm Sở thực hiện lấy và kiểm tra khoảng 5 -7 trăm mẫu nhưng mấy năm gần đây gần như không phát hiện trường hợp không đủ điều kiện. Điều đó cho thấy người làm chè đã rất chú trọng trong việc tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn.
Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 300 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè. Trong số 76 sản phẩm OCOP được chứng nhận cho đến hết năm 2020, phần lớn đều là những sản phẩm chè. Năm 2021 dự kiến sẽ có thêm khoảng 60 sản phẩm OCOP nữa và chè vẫn là sản phẩm chủ đạo.
Phòng chế biến công nghệ cao của Công ty CP chè Hà Thái, xã La Bằng, (Đại Từ).
Đi kèm với việc được chứng nhận OCOP nói riêng và xây dựng thành công thương hiệu nói chung, nhiều doanh nghiệp, HTX đã đưa giá trị sản phẩm của mình lên cao hơn nhiều so với chính mình trước đó.
Vùng chè Sông Cầu (Đồng Hỷ) là một ví dụ. Trước đây khi chưa xây dựng dược thương hiệu, chè tươi ở đây chỉ có giá khoảng 10 nghìn đồng/1kg. Nhưng chỉ trong vòng đúng hai năm rưỡi, từ sự quan tâm, hỗ trợ của Sở, sự hướng dẫn của cơ quan Khuyến nông, người dân đã dần thay đổi tư duy, HTX được thành lập và thương hiệu từng bước được tạo dựng. Đến nay, giá chè ở đây đã cao gấp khoảng 4 lần so với trước. Sản phẩm của HTX đã bước đầu xuất đi các thị trường nước ngoài.
Việc người làm chè thay đổi tư duy và phương thức sản xuất thực sự là những tín hiệu lạc quan bền vững. Nhưng chắc hẳn để chè Thái Nguyên vươn xa được hơn nữa, chúng ta vẫn còn nhiều việc cần làm?
Không sai. Điểm yếu của chúng ta hiện nay là chưa thu hút được doanh nghiệp đủ mạnh trong lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm từ chè. Vì ngoài làm thức uống truyền thống, chè có thể chế biến thành các sản phẩm tinh lọc khác phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khách hàng nước ngoài hoặc tạo ra các sản phẩm ứng dụng trong dược liệu, chăm sóc sắc đẹp… Cùng với đó, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực song chúng ta cần làm tốt hơn nữa việc liên kết vùng để tạo ra được các vùng chè lớn, tương đồng về chất lượng. Xa hơn nữa, cần xây dựng được mã vùng trồng, định danh vùng sản xuất theo quy định của Luật Trồng trọt, bởi đây là điều kiện cứng để xuất khẩu vào thị trường EU…
Cây chuyện về chè và Trà Thái Nguyên càng nói càng say. Ấm trà đã sang nước thứ 2 mà vị còn vấn vít nơi đầu lưỡi. Cảm giác uống chén trà trong những ngày cuối năm này cũng thật khác lạ. Nó như đượm hơn vì hòa trong đó là những ước vọng khởi đâu một năm.