Từ cuối năm 2021 trở lại đây, giá phân bón liên tục “leo thang” khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng trên, bà con nông dân đã tìm cách thích ứng nhằm giảm chi phí, duy trì hoạt động sản xuất.
Thực tế tìm hiểu tại nhiều cửa hàng, đại lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được biết, giá các loại phân bón đều đang “nóng” và biến động theo từng ngày. Cụ thể, phân đạm hiện có giá 17 nghìn đồng/kg, tăng 10 nghìn đồng/kg; kali có giá 14 nghìn đồng/kg, tăng 7 nghìn đồng/kg; phân tổng hợp NPK có giá 6 nghìn đồng/kg, tăng 2 nghìn đồng/kg; phân lân 4.500 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg… Nguyên nhân giá phân bón tăng cao đột biến là do giá nguyên, nhiên liệu sản xuất tăng; thêm vào đó, do giá xăng dầu liên tục tăng khiến chi phí vận chuyển cũng tăng theo.
Giá phân bón tăng cũng khiến các đại lý, cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp gặp khó. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Thẩm, Giám đốc Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện Đồng Hỷ cho biết: Việc giá phân bón tăng khiến chúng tôi phải đội thêm chi phí về vốn nhưng số lượng bán ra lại giảm do bà con giảm bón lót. Thêm vào đó, chúng tôi còn phải cạnh tranh với phân bón của các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ không có thương hiệu.
Trước thực trạng giá phân bón tăng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã tìm cách thích ứng nhằm duy trì sản xuất. Vụ xuân năm nay, gia đình bà Dương Thị Duyên, ở xóm Làng, xã Úc Kỳ (Phú Bình) cấy 8 sào lúa. Mọi năm, gia đình bà sẽ bón lót phân lân trước khi cấy, thế nhưng năm nay, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào phân bón hóa học, bà đã chuyển sang bón lót bằng phân chuồng.
Bà Duyên chia sẻ: Trước đây, chúng tôi thường bón phân hóa học cho nhanh và tiện lợi. Ngoài ra, cây có thể hấp thụ ngay sau khi bón, cho hiệu quả tức thời. Tuy nhiên, vụ này, giá phân tăng cao khiến chúng tôi phải tìm cách giảm bớt chi phí. Tận dụng phân chuồng, gia đình tôi đã ủ men vi sinh để bón cho cây lúa. Tôi nhận thấy, phân hữu cơ sẽ góp phần cải tạo đất, tạo môi trường thuận lợi cho hệ thống vi sinh vật phát triển, giúp cây sinh trưởng tốt.
Tương tự, bà Ngô Kim Phụng, ở xóm Yên Trung 1, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) cũng bón kết hợp giữa 2 loại phân vô cơ và hữu cơ để giảm bớt chi phí. Bà Phụng nói: Với 3 sào ruộng, mọi năm, gia đình tôi sẽ đến các đại lý để mua phân hóa học về tích trữ cho cả vụ, gồm bón lót, bón thúc và đón đòng. Nhưng năm nay, giá phân tăng, nhà tôi chỉ mua 1 ít phân lân, còn đạm và kali chờ đến khi nào lúa có đòng mới mua. Để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, không bị “đói” phân, tôi đã ủ phân chuồng để đem bón khi tiết trời hết rét đậm, rét hại. Ưu điểm của phân hữu cơ là làm tăng độ phì nhiêu của đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng đầy đủ, cân đối.
Tìm hiểu tại một số địa phương khác trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy, giá phân bón tăng và luôn duy trì ở mức cao khiến nhiều hộ dân phải tính toán kỹ trong việc canh tác. Một số hộ đã cắt giảm phân hóa học hoặc chuyển sang phân hữu cơ, tận dụng phế phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi để giảm chi phí đầu tư.
Cùng với đó, bà con ở các địa phương đã tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm lượng phân bón trên đồng ruộng, như: Quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm - 3 tăng” (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu; tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả)…
Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, bà con nông dân nên sử dụng phân bón tiết kiệm, đúng liều lượng, kỹ thuật theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng loại cây trồng. Đồng thời, tăng tỷ trọng phân bón hữu cơ trong chăm sóc cây trồng vừa giúp cải tạo đất, vừa giảm chi phí nhưng vẫn bảo đảm năng suất cây trồng.