Liên kết sản xuất ở Phú Bình: Nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực

Vi Vân 08:50, 15/12/2022

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, huyện Phú Bình đã tập trung xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất.

Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Phú Bình được giới thiệu, trưng bày tại Gian hàng nông sản chủ lực, OCOP của huyện.
Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Phú Bình được giới thiệu, trưng bày tại Gian hàng nông sản chủ lực, OCOP của huyện.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn triển khai đồng bộ nội dung Đề án nhằm từng bước tổ chức lại sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Ông Tạ Văn Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình, cho biết: Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chúng tôi đã phối hợp hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện; khuyến khích bà con phát triển các vùng sản xuất tập trung và xây dựng chuỗi liên kết; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, có giá trị kinh tế cao.

Chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng, gạo nếp Thầu Dầu, lúa J02... là một ví dụ điển hình. Tại những cánh đồng mẫu lớn ở các xã Tân Đức, Xuân Phương, Úc Kỳ, Dương Thành, Lương Phú... các mô hình liên kết được triển khai đồng bộ và hiệu quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, khép kín từ khâu gieo trồng đến tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, với tổng diện tích 1.000ha.

Riêng trong năm 2022, huyện Phú Bình đã thực hiện 5 mô hình sản xuất lúa gạo liên kết theo chuỗi tại các xã: Xuân Phương, Dương Thành, Tân Khánh, Tân Đức và Úc Kỳ.

Cả 5 mô hình này đều đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng, đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với phương thức sản xuất thông thường từ 5-6 triệu đồng/ha/vụ. Sản phẩm được các chuỗi cửa hàng bán lẻ, hệ thống siêu thị ở thị trường Hà Nội, TP. Thái Nguyên... tiêu thụ và phân phối.

Không chỉ hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất lúa, gạo, huyện Phú Bình còn hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất rau, quả, thực phẩm, tập trung ở một số xã như: Nhã Lộng, Tân Đức, Thanh Ninh, Lương Phú, Dương Thành... với tổng diện tích hàng năm đạt 65ha, tổng sản lượng đạt 1.170 tấn, doanh thu đạt khoảng 17,5 tỷ đồng (cao hơn so với sản xuất truyền thống từ 10-15%).

Thị trường tiêu thụ của sản phẩm rau, màu chủ yếu ở Hà Nội, Bắc Giang và một số tỉnh miền Trung. Cùng với đó, một số sản phẩm đã được đưa vào hệ thống siêu thị như dầu lạc, rau VietGAP…

Chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh (ở xóm Náng, xã Nhã Lộng), chia sẻ: HTX hiện có 10ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi thấy rằng, việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rất quan trọng. Do đó, bên cạnh tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn, chúng tôi còn liên kết với một số siêu thị trên địa bàn TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công…

Các sản phẩm rau ăn lá của HTX Bình Minh, ở xóm Náng, xã Nhã Lộng, được trồng theo quy trình VietGAP, cung ứng cho một số siêu thị.
Các sản phẩm rau ăn lá của HTX Bình Minh, ở xóm Náng, xã Nhã Lộng, được trồng theo quy trình VietGAP, cung ứng cho một số siêu thị.

Bên cạnh hình thành chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Phú Bình cũng xây dựng một số mô hình sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị như mô hình thụ tinh nhân tạo cho gà đẻ tại HTX Điền Quy (xã Tân Thành); HTX chăn nuôi Lương Phú (xã Lương Phú)…; phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi Phú Bình theo hướng hữu cơ; mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, gắn với liên kết chuỗi giá trị trong tiêu thụ sản phẩm tại xã Thanh Ninh… Các mô hình liên kết trong chăn nuôi hàng năm tạo doanh thu hàng chục tỷ đồng, cao hơn so với phương pháp chăn nuôi truyền thống từ 15 - 20%.

Mặc dù các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đã và đang cho thấy tính hiệu quả và bền vững, giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập, tuy nhiên, số lượng chuỗi giá trị được hình thành vẫn còn ít, quy mô chưa lớn.

Thời gian tới, huyện Phú Bình tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hướng đến sản xuất hàng hóa mang lại giá trị gia tăng cao; thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư, hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp, tạo sự hài hòa về lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân trong mô hình liên kết; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của từng địa phương; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng cánh đồng mẫu lớn và vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản... Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.