Sau nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 8/8 chỉ tiêu đề ra. Những kết quả này là tiền đề quan trọng để ngành Nông nghiệp hiện thực hóa các mục tiêu phát triển sản xuất công nghệ cao, tạo vùng hàng hóa tập trung...
Bà con nông dân xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) sử dụng máy gặt đập liên hoàn thu hoạch lúa xuân nhằm giảm công lao động. |
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường; giá các loại phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật tư thú y tăng cao… Đây là những khó khăn ngành Nông nghiệp phải đối mặt trong thực hiện nhiệm vụ nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành Nông nghiệp và PTNT, chính quyền các địa phương cùng sự nỗ lực của bà con nông dân, 8/8 chỉ tiêu của Ngành đều được thực hiện đạt và vượt kế hoạch.
Theo đó, nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, ngành Nông nghiệp đã thực hiện tốt công tác tham mưu với tỉnh trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về nông nghiệp và PTNT; tham mưu ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, có thể kể đến một số đề án, nghị quyết như: Đề án phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên…
Bên cạnh đó, để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội VII, Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành 5 kế hoạch và 82 văn bản triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn. Đảng bộ Sở cũng tập trung lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Kết quả, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện, cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.
Nông dân phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) chăm sóc các loại rau, củ, quả vụ mùa. |
Điều đó được minh chứng bằng một số kết quả cụ thể như: Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt (giá hiện hành) tăng từ 117,8 triệu đồng/ha (năm 2020) lên 123,2 triệu đồng/ha (năm 2022); an ninh lương thực được đảm bảo, sản lượng lương thực có hạt năm 2022 đạt gần 457.300 tấn, vượt 4,7% kế hoạch năm. Chăn nuôi phát triển ổn định, tổng sản lượng thịt hơi các loại năm 2022 đạt 212.835 tấn, vượt 34,7% kế hoạch.
Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên Thái Nguyên có cây trồng chủ lực được cấp mã số vùng trồng với diện tích gần 287ha; hơn 1.330ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững FSC; 60ha chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng xây dựng được một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi về những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Vũ Đức Hảo, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, trong nửa nhiệm kỳ còn lại, Đảng bộ Sở tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các định hướng lớn trong chiến lược phát triển nông nghiệp và các chính sách mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, chủ động phối hợp tốt với các ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ nông nghiệp và PTNT.
Cùng với đó, Đảng bộ Sở tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, tập trung thực hiện tốt các đề án, chương trình phát triển của Ngành đã được phê duyệt; tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản...
Có thể khẳng định, với những cơ chế, chính sách và hướng đi phù hợp đã góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp của tỉnh có những bước tiến mạnh mẽ, tạo đà cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp công nghệ cao. Trên cơ sở quy hoạch toàn Ngành, những kết quả đã đạt được chính là tiền đề cho sản xuất hàng hóa tập trung và định hình các cơ sở ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ theo quy hoạch vùng của tỉnh đến năm 2030.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành Nông nghiệp trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025: - Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng bình quân 3,5%/năm; vượt kế hoạch - Ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên, đạt kế hoạch. - Đến năm 2025, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%; hết năm 2022 tỷ lệ là 95,5%, dự kiến đạt kế hoạch. - Đến năm 2025, có 95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2022 đã có 110/128 xã đạt chuẩn (hoàn thành 85%;) 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn (đạt kế hoạch). |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin