Huyện Võ Nhai hiện có trên 1.300ha chè. Để nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, những năm qua, huyện đã cụ thể hóa bằng Đề án “Phát triển nông, lâm nghiệp huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025” với nhiều giải pháp, như: Phát triển sản xuất chè theo hướng VietGAP, chuyển đổi giống chè...
Trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có trên 1.300ha chè, trong đó có trên 60% diện tích chè giống mới. Trong ảnh: Người dân xã Liên Minh thu hái chè giống mới. |
Xóm Ba Nhất được ví như “thủ phủ chè” của xã Phú Thượng khi có tới 120ha chè (chiếm hơn 90% diện tích chè toàn xã). Từ năm 2022 đến nay, giá bán chè của người dân trong xóm tăng cao hơn so với những năm trước nhờ từng bước chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Lý Văn Sinh, Bí thư Chi bộ xóm Ba Nhất, thông tin: Hiện nay, toàn xóm có 19 hộ dân sản xuất chè VietGAP với quy mô hơn 5ha. Thông qua sản xuất chè VietGAP, người dân đã biết cách ghi chép nhật ký từ khâu làm đất, ươm giống, bón phân đến thu hái, chế biến; phun thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, thời gian... Từ đó giúp cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, đặc biệt là chi phí sản xuất giảm, giá trị sản phẩm được nâng lên. Hiện nay, giá bán 1kg chè búp khô dao động từ 120 đến 150 nghìn đồng (cao hơn 30% so với chè sản xuất theo phương pháp truyền thống).
Từ hiệu quả kinh tế của việc trồng và chế biến chè VietGAP mang lại, hiện nay, toàn huyện Võ Nhai đã mở rộng 4.000ha chè VietGAP. Trong đó, riêng năm 2023 mở rộng được khoảng 40ha chè VietGAP. Ngoài ra, các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân trồng chè trên địa bàn huyện cũng đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng chè thương phẩm.
Bà Hoàng Thị Hải, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn Liên Minh (xã Liên Minh), thông tin: Từ nguồn vốn hỗ trợ hơn 150 triệu đồng của huyện, chúng tôi đã bỏ thêm kinh phí đầu tư vào 3 xưởng sản xuất các thiết bị như: 5 máy tôn sao chè bằng gas và điện, 1 tủ sấy và 30 máy vò chè..., tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Hiệu quả thấy rõ sau khi đưa vào sử dụng. Đơn cử như máy tôn sao chè bằng gas có công suất gấp 3 lần tôn quay sử dụng củi, đặc biệt, chè làm ra không bị ám khói bụi, bảo đảm an toàn, hình thức sản phẩm cũng đẹp hơn nên được khách hàng ưa chuộng. Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã sản xuất và bán ra thị trường từ 2,5-3 tấn chè khô các loại, doanh thu ước đạt hơn 500 triệu đồng; tạo việc làm cho hơn 80 lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Để nâng cao giá trị cây chè, huyện Võ Nhai đã triển khai thực hiện đề án “Phát triển nông, lâm nghiệp huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025” với các dự án, chương trình cụ thể. Đơn cử như việc thực hiện “Dự án phát triển chè theo hướng nâng cao giá trị kết hợp với du lịch cộng đồng huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, huyện hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận cho các hộ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP lần đầu; 50% kinh phí chứng nhận lại chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời hỗ trợ một lần giá mua máy móc, thiết bị chế biến, đóng gói, bảo quản chè (máy sao chè bằng gas, máy sao chè bằng điện, tôn sao, máy vò, máy chế biến chè túi lọc, thiết bị bảo quản...).
Ngoài triển khai dự án trên, hằng năm, huyện vận động người dân trồng mới, trồng thay thế diện tích chè già cỗi, kém hiệu quả bằng những giống chè cho năng suất, chất lượng cao...
Theo ông Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Võ Nhai: Nhờ các giải pháp cụ thể, đến nay toàn huyện có trên 60% diện tích chè giống mới; sản lượng chè búp tươi ước trung bình đạt trên 14.000 tấn/năm. Đặc biệt, giá bán chè thành phẩm của nông dân vùng cao Võ Nhai tăng từ 30-40% so với năm 2021; huyện đã có 5 sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao...
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song hiện nay việc phát triển chè trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn như: Chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh chè; nhiều người dân sản xuất chạy theo số lượng, chưa chú trọng thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân vi sinh…
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè và thu nhập cho người dân, thời gian tới, huyện Võ Nhai tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn tiến hành rà soát những nương chè già cỗi, diện tích đất nông nghiệp phù hợp để trồng chè, thống kê các hộ có nhu cầu đăng ký cây chè giống nhằm đưa các giống chè mới vào trồng thay thế, trồng mới; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cấp giấy chứng nhận VietGAP lần đầu và hỗ trợ 50% cấp lại giấy chứng nhận; tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ sản xuất chè VietGAP chú trọng đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu; hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin