Vụ xuân là thời điểm cây chè bắt đầu phục hồi, sinh trưởng sau khi được cắt cúp, nghỉ dưỡng một thời gian khá dài. Chính vì vậy, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh nói chung, TP. Thái Nguyên nói riêng đã và đang tập trung chăm sóc những nương chè xuân, với mong muốn cây chè sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh để những lứa chè đầu năm cho năng suất, chất lượng cao.
Thi hái chè xuân tại vùng chè đặc sản Tân Cương (TP. Thái Nguyên). |
Thời điểm này, đến một số xã thuộc vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên), chúng tôi thấy bà con nông dân đang tất bật với các công đoạn chăm sóc chè xuân, như bón phân, dọn cỏ… Theo các hộ dân, trong lứa đầu tiên của vụ xuân, nếu được chăm sóc tốt, cây chè sẽ hồi phục nhanh, cho búp to, khỏe, năng suất cao, đồng thời tiếp tục phát triển khỏe mạnh trong những lứa tiếp theo.
Ông Mai Viết Ái, một người có nhiều kinh nghiệm trồng và chăm sóc chè ở xóm Gò Pháo, xã Tân Cương, chia sẻ: Trung bình mỗi năm cây chè sẽ được nghỉ để dưỡng trong khoảng 3 tháng, bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến khoảng tháng 3 năm sau. Trong khoảng thời gian này, thời tiết rất lạnh nên sau khi cắt cúp, cây chè dù không cho thu hái nhưng vẫn cần được chăm sóc tốt, nhất là bón phân đầy đủ. Có thể bón vãi với nương chè tán đã khép kín; cuốc dãy với nương chè mới trồng để hạn chế việc bốc hơi nếu nắng to; hoặc rửa trôi khi mưa rào về sau. Hơn 5.000m2 chè trung du của gia đình tôi sau khi cắt 20 ngày là được bón phân chuồng. Từ đó đến nay, gia đình bón thêm 2 lần phân hữu cơ và hiện chuẩn bị cho thu hái lứa chè xuân đầu tiên.
Cùng với công việc bón phân đầy đủ, thời điểm này, người dân trồng chè cũng tập trung làm cỏ, dọn dẹp sạch sẽ cho nương chè, loại bỏ những cành, lá đã cúp còn mắc trên cây. Mục tiêu là để nương chè thông thoáng, hạn chế sâu bệnh khi tiết trời sang xuân chuyển nồm, ẩm.
Ông Lê Quang Nghìn, ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, cho biết: Sau khi cắt cúp, cây chè mất thời gian dài mới bắt đầu đẻ nhánh trở lại. Nhưng sau đó, khi chè đã bật búp, nếu gặp thời tiết ấm áp sẽ lên rất nhanh. Do vậy, trước khi chè khép tán, chúng tôi phải tranh thủ dọn cỏ, dọn nương sạch sẽ, tránh được một số sâu bệnh hại, như rầy xanh, bọ cánh tơ… Đối với một số nương chè mới trồng, để tránh cỏ mọc, bà con thường sử dụng cây guột, rơm rạ để dấp vào gốc chè.
Theo đánh giá của người dân vùng chè đặc sản Tân Cương, mặc dù sản lượng chè vụ xuân không cao so với chính vụ nhưng chất lượng lại ngon nhất trong năm. Sau một thời gian dài nghỉ đông, cây chè chắt chiu được nhiều dưỡng chất tạo nên hương vị đặc trưng, hương đượm, vị ngọt hậu, khi uống tạo cảm giác sảng khoái. Chính vì vậy, giá chè xuân thường cao hơn từ 20-30% so với chè lứa chính vụ.
Ông Mai Viết Ái, ở xóm Gò Pháo, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), bón phân cho nương chè của gia đình. |
So với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, diện tích chè của TP. Thái Nguyên chỉ chiếm phần nhỏ, với trên 1.500ha (toàn tỉnh có trên 22.000ha) nhưng do khí hậu, thổ nhưỡng cùng với các kỹ thuật chăm sóc đặc biệt của người dân nên sản phẩm chè vùng Tân Cương có chất lượng cao, được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Hiện nay, trong tổng diện tích hơn 1.500ha chè đã có khoảng 50-60% được chăm sóc theo quy trình hữu cơ.
Để cây chè cho năng suất, chất lượng cao, TP. Thái Nguyên đã khuyến khích người dân cải tạo vườn chè; đưa các giống chè có năng suất, chất lượng cao vào trồng; hướng dẫn bà con thực hành sản xuất theo các quy trình an toàn; sản xuất theo hướng hữu cơ. Đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn nhằm đưa khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, sản xuất, chế biến chè. Năng suất, sản lượng chè trên địa bàn nhờ đó tăng bình quân qua các năm. Năm 2023, sản lượng chè búp tươi của TP. Thái Nguyên đã đạt trên 23.700 tấn, tăng 3.400 tấn so với năm 2020.
Theo bà Ngô Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên, hiện bắt đầu có các đợt mưa xuân, là điều kiện lý tưởng cho cây chè đâm chồi, nảy lộc. Một số diện tích chè người dân cắt cúp sớm cũng bắt đầu cho thu hái. Tuy nhiên, thời tiết nồm ẩm cũng là yếu tố thuận lợi để sâu bệnh gây hại, do vậy, người dân cần thường xuyên bám vườn, theo dõi nương chè để kịp thời phát hiện, có biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời; tập trung chăm sóc nương chè, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cây qua gốc và lá; kết hợp bón phân hữu cơ, phân vi sinh để bộ rễ khỏe mạnh, có sức chống chịu với thời tiết thay đổi thất thường, chênh lệch nhiệt độ lớn…
Trên địa bàn TP. Thái Nguyên có gần 1.500ha chè, tập trung tại 6 xã vùng chè Tân Cương; trong đó có khoảng 50-60% diện tích được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. Hiện nay, sản lượng chè búp tươi đạt trên 23.700 tấn/năm, tăng 3.400 tấn so với năm 2020. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin