Tăng thu nhập bền vững cho nông dân

Vũ Công 08:25, 19/07/2024

Với mục tiêu đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh Thái Nguyên chú trọng hỗ trợ cộng đồng triển khai nhiều dự án phát triển sản xuất.

Xã An Khánh (Đại Từ) hiện có 80ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi hằng năm đạt khoảng 1.000 tấn. Từ năm 2022 trở về trước, 100% các hộ trồng chè trên địa bàn đều sản xuất theo hướng truyền thống, ít chú trọng đến việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên năng suất, chất lượng sản phẩm không cao.

Năm 2023, Chi cục PTNT tỉnh đã triển khai hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 3) cho 60 hộ dân trên địa bàn xã An Khánh trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích trên 6ha.

Tham gia Dự án, các hộ dân được hỗ trợ gần 100 tấn phân hữu cơ vi sinh và phân NPK, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật… với tổng kinh phí trên 428 triệu đồng, trong đó nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo hỗ trợ 221 triệu đồng, còn lại là đối ứng của người dân.

Chị Đặng Thị Thủy (ngoài cùng bên trái), ở xóm An Bình, xã An Khánh (Đại Từ) cùng với các thành viên Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Tân Tiến thu hái chè.
Chị Đặng Thị Thủy (ngoài cùng bên trái), ở xóm An Bình, xã An Khánh (Đại Từ) cùng với các thành viên Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Tân Tiến thu hái chè.

Gia đình chị Đặng Thị Thủy ở xóm An Bình là một trong những hộ tham gia Dự án, chị phấn khởi cho biết: Gia đình tôi có 2 sào chè giống TRI777. Tham gia Dự án, chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc chè, đến việc sử dựng các loại phân hữu cơ, nên năng suất tăng lên, nếu trước đây chỉ đạt 2,5 tạ chè búp tươi/sào thì nay tăng lên 3tạ/sào. Việc chuyển từ sử dụng phân hóa học sang hữu cơ còn giúp gia đình tiết kiệm khoảng 200 nghìn đồng/lứa chè. 

Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã An Khánh, chia sẻ: Từ hiệu quả của Dự án sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, địa phương đã và đang nhân rộng ra trên địa bàn xã. Đến nay đã có khoảng 50% diện tích chè trên địa bàn trồng theo hướng VietGAP.  

Còn đối với các xã Tân Hòa, Tân Thành, Nga My, Hà Châu của huyện Phú Bình, để phát triển bền vững cây trám đen, khai thác tiềm năng về đất đai, nâng cao chất lượng sản phẩm từ trám, năm 2023, Chi cục PTNT tỉnh đã hỗ trợ triển khai dự án trồng mới cây trám đen ghép tại 4 xã này. Dự án hỗ trợ 1.575 cây trám cho 103 hộ. Bà con cũng được hỗ trợ tổng số 1.575kg phân hữu cơ vi sinh, 394kg phân NPK và 12,6kg thuốc bảo vệ thực vật các loại.

Ông Hoàng Văn Oanh, Chủ tịch UBND xã Hà Châu, cho biết: Hiện nay, chúng tôi có sản phẩm trám đen muối Hà Châu đã được công nhận OCOP 3 sao và khẳng định được vị thế, uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, nguyên liệu đầu vào hạn chế, chỉ đủ để sản xuất trong một thời gian ngắn. Do vậy, Dự án trồng trám sẽ góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào hơn.

Từ năm 2022 đến nay, Chi cục PTNT tỉnh hỗ trợ tổng cộng 29 dự án phát triển sản xuất cộng đồng (trong đó có 19 dự án chăn nuôi và 10 dự án trồng trọt) với 784 hộ (trong đó có 372 hộ nghèo, 282 hộ cận nghèo, 118 hộ mới thoát nghèo và 12 hộ khác). Để các dự án phát huy hiệu quả, Chi cục cùng với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, lựa chọn đối tượng, nội dung hỗ trợ một số loại cây trồng, vật nuôi là thế mạnh tại địa phương, có khả năng phát triển kinh tế bền vững.

Qua đánh giá của Chi cục PTNT tỉnh, các dự án được triển khai đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo áp dụng những tiến bộ công nghệ, khoa học - kỹ thuật. Ngoài ra, thông qua dự án, người dân còn làm quen với hình thức phát triển sản xuất tập thể, tổ hợp tác, liên kết, đối ứng…