Điều kiện khí hậu mát mẻ, thức ăn tự nhiên phong phú và nguồn nước dồi dào từ các khe núi, sông suối đã được người dân huyện vùng cao Võ Nhai tận dụng để đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò. Thời gian qua, bà con nơi đây cũng dần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững.
Ông Lương Văn Hệ, ở xóm An Thành, xã Thượng Nung (Võ Nhai), xây chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở và áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc bò nuôi sinh sản. |
Huyện Võ Nhai hiện có hàng nghìn hộ chăn nuôi theo quy mô nông hộ với gần 10.000 con trâu, bò. Trước đây, mỗi khi có dịp đến với các xóm, bản của huyện vùng cao Võ Nhai, chúng tôi không khó để bắt gặp hình ảnh người dân thả rông gia súc; cột trâu, bò ngay dưới gầm sàn nhà; làm chuồng sơ sài bên cạnh nhà ở hay các khu vực sinh hoạt khác của gia đình. Thực trạng này gây ô nhiễm môi trường sống, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính người dân chăn nuôi.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người dân Võ Nhai đã dần chú trọng hơn đến vấn đề bảo đảm môi trường trong chăn nuôi. Gia đình ông Lương Văn Hệ, dân tộc Tày, ở xóm An Thành, xã Thượng Nung bắt đầu chăn nuôi bò sinh sản được gần 40 năm. Trước kia, ông chủ yếu thả bò trên núi, rồi cột bò ngay sát nhà, chứ chưa có chuồng nhốt riêng biệt. Chính vì thế mà ruồi nhặng, muỗi bay đầy nhà và mùi hôi thối từ phân gia súc bốc lên, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống.
Ông Hệ cho hay: Cứ ngày nắng, chất thải bốc mùi hôi nồng nặc, còn ngày mưa phân gia súc chảy lênh láng khắp nơi quanh nhà. Được sự tuyên truyền của xã, mấy năm trước gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại cách nhà ở gần 50m với quy mô 50m2 nên hạn chế được tình trạng ô nhiễm.
Tương tự như ông Hệ, gia đình ông Ngô Văn Dinh, dân tộc Mông, ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng thường xuyên nuôi từ 3-6 con trâu, bò vỗ béo. Giống như bao hộ dân khác trong xóm, trước đây gia đình ông thường xuyên cột trâu, bò ngay sát với nhà ở. Ông Dinh cho biết: Mặc dù biết là nhốt gia súc cạnh nhà gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe nhưng do kinh tế còn nhiều khó khăn nên gia đình không có khả năng xây dựng chuồng trại. Cách đây hơn 6 năm, sau khi tích góp được ít vốn tôi đã đầu tư xây chuồng cách xa khu nhà ở. Hằng ngày tôi đều dọn phân gia súc và ủ ở ngoài vườn để làm phân bón.
Thực tế, vấn đề bảo đảm môi trường chăn nuôi gia súc trước đây chưa được người dân ở huyện vùng cao Võ Nhai quan tâm thực hiện. Nguyên dân là do thói quen của bà con ở nhà sàn thường nhốt trâu bò dưới chân nhà. Mặt khác do đời sống còn khó khăn không có điều kiện để xây dựng chuồng trại. Nhiều hộ có tâm lý lo ngại để chuồng xa nhà rất khó quản lý, dễ mất trộm. Các chất thải trong chăn nuôi gia súc không được thu gom, xử lý gây nhô nhiễm nguồn nước, không khí và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người; làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc các bệnh trên đàn gia súc như lở mồm long móng, tiêu chảy, viêm phổi…
Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng của huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai chia sẻ: Địa phương xác định việc xây dựng chuồng trại kiên cố; chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, nhốt chuồng; di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa khu vực nhà ở và các công trình phụ; xử lý chất thải trong chăn nuôi… là những yếu tố quan trọng để chăn nuôi gia súc theo hướng bền vững. Song song với việc phát triển đàn vật nuôi, chúng tôi đã phối hợp với các xã, thị trấn vận động, hướng dẫn các hộ dân xây dựng chuồng trại, cách ủ phân chuồng bằng men vi sinh hữu cơ để bón cho cây trồng; xây dựng các bể biogas hoặc các hố chứa nước phân… Nhờ đó, đến nay cơ bản các hộ chăn nuôi gia súc đã cơ bản đáp ứng tiêu chí về môi trường trong chăn nuôi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin