Sản xuất nông nghiệp “sạch”: Bắt đầu từ thay đổi nhận thức

Tùng Lâm 07:32, 29/10/2024

Nông nghiệp “sạch” đang "lên ngôi" tại Thái Nguyên. Theo đó, tỉnh đã có trên 110ha lúa, gần 4.400ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhiều diện tích rau, quả sản xuất theo hướng an toàn… Có được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, còn có sự tích cực của người nông dân.

Mô hình trồng dưa an toàn trong nhà màng ở xóm Trúc, xã Bá Xuyên (TP. Sông Công) mang lại thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng, góp phần cung cấp nông sản sạch ra thị trường. Ảnh: M.P
Mô hình trồng dưa an toàn trong nhà màng ở xóm Trúc, xã Bá Xuyên (TP. Sông Công) mang lại thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng, góp phần cung cấp nông sản sạch ra thị trường. Ảnh: M.P

Khi nông dân thay đổi

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Sản xuất nông nghiệp “sạch” là sử dụng các phương pháp canh tác giảm thiểu tối đa việc sử dụng hóa chất (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học…). Từ đó không chỉ hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước, không khí, giảm ô nhiễm môi trường mà còn mang lại lợi ích về kinh tế cho người dân. Đáng mừng là nhiều năm qua, nhận thức về sản xuất sạch của người dân trong tỉnh đã được nâng lên.

Minh chứng rõ nhất là tại huyện vùng cao Võ Nhai. Hiện, địa phương này có trên 2.000ha cây ăn quả, trong đó có 700ha trồng na (sản lượng na đạt khoảng trên 6.000 tấn/năm). Với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, người dân Võ Nhai đã tích cực thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP nên huyện đã có sản phẩn na đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Bà Nguyễn Thị Hiền, xóm Làng Lai, xã La Hiên (Võ Nhai): Nếu người dân không sản xuất sản phẩm thị trường cần mà sản xuất những thứ mình có thì sẽ mãi “dậm chân tại chỗ”, hiệu quả kinh tế thu được không cao. Đây là lý do gia đình tôi thâm canh toàn bộ diện tích na (khoảng 200 cây) theo hướng VietGAP.  

Ngoài cây na, đến nay, huyện Võ Nhai đã có 15 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm được tham gia trưng bày tại các hội chợ triển lãm, được đưa vào hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh; một số sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: Nõn măng nứa sấy khô, nấm, mộc nhĩ…

Người dân xóm Nhị Hòa, phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên) tích cực sản xuất rau, quả sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: T.L
Người dân xóm Nhị Hòa, phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên) tích cực sản xuất rau, quả "sạch", đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: T.L

Cũng giống như huyện vùng cao Võ Nhai, nhiều hộ dân ở các vùng rau chuyên canh trong tỉnh đã quan tâm tới việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, VietGAP. Tại vùng vùng rau Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), hầu hết các hộ dân đều sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học, phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất.

Bà Vũ Thị Thanh, xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên): Trước đây, nhiều người có suy nghĩ rau có tồn dư thuốc BVTV cao chỉ ảnh hưởng đến người sử dụng. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lệch vì người sản xuất mới bị ảnh hưởng lớn nhất khi hằng ngày phải hít thở bầu không khí ô nhiễm… Do đó, hàng chục năm nay, người trồng rau Linh Sơn đã hạn chế sử dụng thuốc BVTV, phân bón vô cơ; tích cực sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất…

Từ những chia sẻ trên có thể thấy, nhận thức của bà con đã có thay đổi rất tích cực. Đây chính là lời giải thích cho việc vì sao diện tích cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP… trên địa bàn tỉnh ngày một tăng cao.

Sản xuất “sạch” được đẩy mạnh

Cùng với việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh đối với cây trồng chính, chủ lực, thế mạnh như: Chè, lúa, rau, hoa, cây ăn quả… đến nay, người dân Thái Nguyên đã tích cực ứng dụng công nghệ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất hữu cơ,… góp phần nâng giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt (năm 2023, đạt 128,7 triệu đồng/ha).

Với cây lúa, người dân đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nhằm tăng giá trị sản phẩm, tăng năng suất, sản lượng. Theo đó, trên 110ha lúa được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh tập trung tại các địa phương như: TP. Phổ Yên, các huyện Phú Lương, Phú Bình, Võ Nhai…

Về cây chè, hầu hết diện tích sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh được áp dụng theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ…, tương đương khoảng 17.800ha chè, trong đó: diện tích được cấp chứng nhận VietGAP là gần 4.400ha; diện tích được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ là 65ha; diện tích được cấp chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm xấp xỉ 4.100ha.

Mô hình sản xuất chè hữu cơ tại HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thu hút 8 hộ dân tham gia.
Mô hình sản xuất chè hữu cơ tại HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thu hút 8 hộ dân tham gia.

Riêng với vùng sản xuất rau, hoa, Thái Nguyên đã phát triển một số vùng sản xuất rau, hoa tập trung (hơn 1.200ha) và đẩy mạnh áp dụng ứng dụng công nghệ sản xuất rau an toàn, VietGAP sử dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động; sản xuất rau trái vụ... vào sản xuất.

Hiện, toàn tỉnh có 200ha rau được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 70ha rau sản xuất ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, sản xuất rau trái vụ..., chủ yếu tập trung ở các địa phương như TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên, Đại Từ.

Về cây ăn quả, toàn tỉnh đang có 14.000ha, trong đó một số diện tích đã ứng dụng quy trình sản xuất cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP…. Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Với nhiều nỗ lực, đến nay, tỉnh đã xây dựng được một số vùng cây ăn quả sản xuất tập trung (khoảng 1.800ha), đầu tư ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh, bao quả, thụ phấn bổ sung nâng cao chất lượng, mẫu mã và giá trị sản phẩm quả, có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định. Đây chính là nền tảng để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch trong thời gian tới.