Làng Hội Xá

14:22, 25/02/2008

Làng Hội Xá nằm ở bờ Nam sông Đuống, bên kia sông là làng Phù Đổng, trong địa bàn tụ cư của người Việt cổ. Theo lưu truyền dân gian, từ thời Hùng Vương thứ sáu, dân làng đã cùng tướng Hoàng Hổ theo Thánh Gióng đánh giặc Ân.

Đến đầu thế kỷ XIX, làng Hội Xá có tên là Hộ Xá, là một xã thuộc tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 là tỉnh Bắc Ninh). Vào đầu đời Thành Thái (1889 – 1907), vì kỵ húy nên làng phải đổi thành Hội Xá.

 

Trong kháng chiến chống Pháp, Hội Xá nằm trong một xã lớn mang tên Toàn Thắng, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Sau Cải cách ruộng đất (giữa năm 1956), xã Toàn Thắng chia nhỏ thành nhiều xã, trong đó có xã Hội Xá, gồm các làng : Hội Xá, Nông Vụ (Đông, Thượng, Trung). Từ tháng 6 - 1961, xã Hội Xá cùng các xã trong huyện Gia Lâm được chuyển về thành phố Hà Nội. Tháng 11 - 2003, thành lập quận Long Biên, xã Hội Xá được chuyển thành phường và đổi tên Phúc Lợi. Toàn bộ làng Hội Xá hiện là tổ 4 phường Phúc Lợi.

 

Tụ cư ven sông Đuống nên dân làng Hội Xá làm ruộng là chính. Xa xưa có nghề trồng dâu nuôi tằm, một bộ phận dân làng đi buôn theo đường sông. Trong làng trước đây có phường hát Cửa đình, chuyên đi phục vụ các hội làng.

 

Làng Hội Xá hiện còn ngôi đình đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1995. Kiến trúc và điêu khắc hiện tại của đình khá đơn giản, gồm 3 gian đại đình và một gian hậu cung. Ngoài thần Hoàng Hổ, đình còn thờ hai vị thần khác là Nguyên phi Ỷ Lan - người phụ nữ nổi tiếng của dưới hai triều Vua Lý : Thánh Tông (1054- 1072) và Nhân Tông (1072 - 1128) và Nguyễn Nộn (? - 1229) - một thế lực phong kiến vào cuối thời Lý, đầu thời Trần. Làng còn có ngôi chùa Linh Tiên tự, được dựng vào thế kỷ XVIII, được tu sửa nhiều lần, với việc công đức của nhiều người, thông qua tục đặt hậu, sửa chữa lần cuối cùng vào năm Bảo Đại thứ mười (năm 1935). Những lần sửa chữa này được ghi lại qua các tấm bia còn lưu trong chùa, vào các năm : Cảnh Hưng thứ 34 và 46 (năm 1773, 1785), Minh Mạng thứ 20 (năm 1839), Thiệu Trị thứ tư (năm 1844), Tự Đức thứ 22 (năm 1869), Duy Tân thứ mười (năm 1916) và các bia niên hiệu Bảo Đại (1921, 1932, 1935).

 

Hội làng Hội Xá có liên quan chặt chẽ đến hội Gióng (Phù Đổng) - hội của năm làng : Phù Đổng, Phụ Dực, Hội Xá, Đổng Viên và Đổng Xuyên (Gióng Mốt) tổ chức vào ngày mồng 9 tháng Tư. Trong hội này, làng Hội Xá diễn trò Tùng Choạc hay phường hát Ải Lao. Thiếu trò (hay phần hội) này, hội Gióng coi như không thành công. Tham gia trò Tùng Choạc có từ 20 - 30 trai đinh khỏe mạnh, mặc áo nậu đỏ, gồm ông trùm, 1 người đánh trống khẩu, 1 người cầm cung nỏ (trong vai người đi săn), 1 người cầm cần câu (trong vai người đi câu), 2 người cầm cờ lau (trong vai trẻ chăn trâu), 1 người hóa trang thành con hổ, 12 người cầm xênh phách. Đội quân này phản ánh đúng sự tích theo tục truyền : khi Thánh Gióng ra trận, trẻ trâu làng Hội Xá cũng đi theo, lôi cuốn cả thợ săn và người đi câu.

 

Theo lệ, phường Ải Lao hay Tùng Choạc vừa đi vừa múa hát, có nhạc cụ phụ kèm. Đến cửa cung Thượng của đền Gióng (làng Phù Đổng), phường diễn lại trò săn và vây bắt hổ. Người đội lốt hổ nhảy múa, lăn vòng, cùng nhiều động tác võ thuật đẹp mắt. Cùng lúc, người cầm nỏ, người mang cần câu ra đánhh nhau với hổ trong tiếng trống, chiêng rộn rã, tiếng hò reo vang dội. Lát sau, hổ bị thương, hai người đi săn, đi câu cùng mọi người xô vào bắt hổ. Trò diễn kết thúc. Cả phường lạy tạ trước ban thờ.