''Cước vận tải sẽ giảm bằng giá... 4 tháng trước''!

16:10, 11/11/2008

''Xăng quay đầu trở về mức giá của 4 tháng trước, thì cước vận tải cũng sẽ giảm, trở về mức giá hồi tháng 7/2008''- Đó là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam ngay sau khi giá xăng dầu vừa được điều chỉnh lần thứ 5 - giảm 1.000 đồng/lít.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói, đây là lần thứ 5 trong 3 tháng qua, giá xăng dầu giảm. Nhất là lần này, trưa 8/11, mỗi lít xăng, dầu đều giảm 1.000 đồng, mức giảm cao nhất so với 4 lần trước. Đây là điều khiến không chỉ các doanh ghiệp kinh doanh vận tải trông đợi mà tất cả người tiêu dùng vui mừng.

Theo tính toán của các doanh nghiệp vận tải, tổng cộng trong 5 lần giảm giá vừa qua (4 lần giảm 500đ/lít xăng, và lần này giảm 1.000đ/lít cả xăng, dầu), giá xăng dầu đã trở về mức tương đương thời điểm trước lúc tăng ngày 21/7/2008. Cụ thể, giá xăng đã giảm được 31%, giá dầu giảm 19%.


"Cước vận tải là ngành nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết hoạt động sản xuất kinh doanh, phân phối, đi lại của toàn dân nên được đặc biệt chú ý. Vì thế, khi xăng dầu tiếp tục giảm vào lần thứ 4, sau khi Hiệp hội có văn bản khuyến cáo, nhiều đơn vị, tuyến vận tải đã giảm giá. Cộng với lần giảm 1.000đ/lít này nữa, không có lý gì để các doanh nghiệp còn lại không hạ cước vận tải", Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô cho biết.

Cụ thể, sau lần giảm giá xăng dầu thứ 4 trong vòng 3 tháng qua, ngày 18/10, các doanh nghiệp thuộc hiệp hội đã bắt đầu tính toán điều chỉnh giá cước. Đến đầu tháng 11 vừa qua, hàng chục đơn vị vận tải phía Nam đã giảm giá từ 5.000đ - 20.000đ/vé thuộc các tuyến từ TP. Hồ Chí Minh đi: Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Cà Mau...

"Các hãng còn lại, nếu không giảm thì khó mà cạnh tranh, sẽ mất thị phần. Nên tôi tin chắc họ sẽ giảm giá vé, mức cước sẽ trở về mức trước ngày 21/7/2008, tức trước ngày xăng dầu tăng 30%. Quyền chủ động giá tất nhiên thuộc các doanh nghiệp, nhưng không còn lí do gì để họ không hạ cước. Nếu họ không hạ, chúng tôi cũng sẽ có khuyến cáo và "khuyên" họ tính toán lại chi phí đầu vào. Tôi nghĩ, mất khoảng 7-10 ngày để doanh nghiệp tính toán, điều chỉnh, hoàn thành thủ tục công bố mức giảm giá cước và chính thức áp dụng", ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Tại đầu phía Bắc, trao đổi với VietNamNet, đại diện các doanh nghiệp vận tải lớn như Mai Linh, Hưng Thành, Hoàng Long, Tân Đạt... cho biết, hội đồng quản trị sẽ nhóm họp ngay vào thứ 2 (ngày 10/11) để cân đối lại chi phí xăng dầu đầu vào, từ đó đề xuất mức giá cước giảm hợp lí.

"Chưa thể nói mức giảm, nhưng chúng tôi khẳng định sẽ giảm", phần lớn đại diện các doanh nghiệp cam đoan.


"Giảm bao nhiêu là tùy từng doanh nghiệp. Nhưng theo tôi, các doanh nghiệp đã tăng 15% giá cước sau ngày 21/7 mà nay chưa giảm thì nên trở về mức trước ngày 21/7", Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ quan điểm.

Ông Hùng cũng nói thêm, giá xăng dầu đã giảm đáng kể, nhưng lãi suất ngân hàng vẫn quá cao, 70% doanh nghiệp vận tải vẫn đi vay với lãi suất thương mại 18%/năm nên chi phí sản xuất còn ở mức cao.

Vị này cho rằng, nếu mức lãi suất đi vay tiếp tục ở mức như hiện giờ, thì giá cước vận tải, có hạ xuống trong 10 ngày tới, cũng chỉ có thể tồn tại trong 2 tháng tới, đến hết năm 2008. Sau đó lại phải tăng lên. Vì rằng, từ 1/1/2009, lương lao động tăng, thuế VAT phải tăng 5%, doanh nghiệp không tăng thì không thể kinh doanh được.

Điều đó cũng có nghĩa là, các doanh nghiệp vận tải sẽ chỉ "cam kết" ổn định giá trong năm 2009, nếu giá xăng dầu tiếp tục giảm để "bù" vào lương lao động và thuế VAT!