Cước vận tải sẽ khó có cớ tăng giá cước dịp Tết

13:56, 02/12/2008

"Nếu giá xăng tiếp tục giảm, hay ít nhất cũng là ổn định như hiện nay, tôi nghĩ, trong dịp Tết, các xe chạy 2 chiều không được tăng giá cước. Xe buộc phải chạy 1 chiều trong những ngày cao điểm, phụ thu có thể tăng nhưng sẽ không cao đến 40-60% như năm ngoái" - quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Cố lắm cũng chỉ giữ giá?

Trao đổi với VietNamNet, người đứng đầu hiệp hội này cho hay, với việc giá xăng dầu tiếp tục giảm 1.000đ/l, giá xăng đã về mức 12.000đ/l, thấp hơn mức cuối năm 2007 là 1.000đ/l. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dư luận lại chăm chú dõi theo giá cước vận tải, nhất là trong bối cảnh Tết đang đến gần. "Nhưng, khó mà có thể giảm cước vận tải thêm nữa, từ nay đến Tết Nguyên đán" - ông Hùng nhận định.

Ông Hùng lí giải, theo báo cáo của các hiệp hội vận tải từ cơ sở lên, đến cuối tháng 11 vừa qua, hầu như 100% doanh nghiệp vận tải đã giảm cước về trước giá thời điểm tăng, 15%, vào ngày 21/7/2008. Thậm chí, có doanh nghiệp giảm nhiều nhất so với thời điểm đó là 5%, tức quay về bằng mức cuối năm 2007.

"Theo tính toán của tôi, lần giảm mới nhất xăng dầu đều giảm 7%. Về nguyên tắc, cước vận tải sẽ giảm 3% là thích hợp. Song, con số 3%, tính chung chỉ là vài trăm đồng. Chưa kể tốn kém trong chi phí thủ tục, nhìn vào con số giảm đó, có khi lại phản tác dụng trong mắt người tiêu dùng. Chúng tôi nhiều lần đề nghị với Nhà nước, nếu xăng dầu tiếp tục giảm nhỏ giọt như vậy thì khó mà kéo theo các ngành khác giảm giá ngay", ông Hùng nói.

Đối với giá cước vận tải, theo ông Hùng, cố lắm cũng chỉ là giữ giá, không tăng từ nay đến trước Tết, chứ không thể hy vọng doanh nghiệp giảm giá thêm. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã tính toán và phối hợp với các ngành chức năng địa phương tăng cường khuyến cáo với các doanh nghiệp: Không được tăng cước với xe chạy 2 chiều trong dịp Tết. Xe buộc phải chạy 1 chiều để giải tỏa khách, nếu có tăng phụ thu thì cũng nên ở mức thấp hơn năm ngoái, tức dưới 40%.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận, đó cũng chỉ dừng ở mức khuyến cáo và giúp họ có tính toán khoa học, thích hợp về giá thành, chứ quyền chủ động giá thì Hiệp hội không thể ép hay can thiệp được.

Có phần trái ngược với mong muốn của người đứng đầu Hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải đều có tính toán riêng.

Đại diện của một trong những doanh nghiệp vận tải quy mô nhất miền Bắc, Phó Giám đốc Công ty Hưng Thành, ông Hoàng Anh Hùng cho hay, ngay giá cước hàng hóa và cước hành khách của doanh nghiệp này cũng đã có sự khác biệt.

"Với nhiều đối tác lớn, thường xuyên, từ năm 2008, để "sống chung" với sự bất thường của giá xăng dầu, cước vận tải hàng hóa của công ty đã "tự đông" tăng, giảm mà không vấp phải sự phản ứng của khách. Ví dụ trong hợp đồng có thêm điều khoản mở: khi giá dầu thay đổi 30% thì cước cũng thay đổi 10%. Như lần này giá dầu giảm 10% thì chúng tôi tính cước rẻ đi 3%. Nhưng còn vận tải hành khách dịp Tết, chúng tôi buộc phải tăng phụ thu từ 60 - 80% (chiều Bắc - Nam trước Tết; và chiều Nam - Bắc, sau Tết)", ông Hùng cho biết.

Taxi Hà Nội hết đường kêu lỗ!

Còn nhớ, cách nay 15 ngày, khi giá xăng vẫn ở mức 13.000đ/l, trước sức ép giảm giá từ Sở GTVT Hà Nội, nhiều doanh nghiệp taxi đồng loạt kêu đang phải hứng chịu giá phá sản nên chần chừ giảm giá. Tuy nhiên, sau lần hạ giá xăng này, dù không tiếp tục hạ cước thì các hãng taxi cũng khó lòng mà kêu lỗ!

Tuy vậy, vẫn có doanh nghiệp khẳng định sẽ tiếp tục giảm cước trong tuần này. Chủ tịch HĐQT Công ty Hương Lúa, ông Đinh Văn Sáu cho biết, mức giá dự kiến mà taxi Hương Lúa tính toán giảm trước ngày 5/12 này sẽ vào khoảng 1000đ.

Giám đốc taxi Hà Nội Nguyễn Văn Hưởng thừa nhận, đã qua thời "siêu lợi nhuận" của vài năm trước, nhưng với doanh nghiệp biết tính toán cũng không phải là giá lỗ hay giá phá sản.

Theo ông Hưởng, biểu đồ hòa vốn của năm 2003 đúng là có giá 10.000đ/km, nhưng khi đó doanh nghiệp chỉ có 200 xe. Nay vẫn giá đó nhưng số xe tăng lên 2,5 lần, hơn 500 xe. "Nghĩa là chúng tôi tiết kiệm được hơn 1/2 chi phí điều hành (khoảng 10% tổng chi phí). Cùng với đó, trước đây thời gian khấu hao xe là 6 năm thì nay chắt bóp tăng lên 7 năm. Lấy cái nọ bù cái kia thì không đến mức lỗ", ông Hưởng cho biết!

Ngay thời điểm này, dù không giảm thêm cước nhưng taxi Hà Nội cũng "câu" thêm khách đi chặng ngắn bằng cách phí mở cửa hạ từ 15.000đ xuống còn 12.000đ.

Đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng, trong đợt này khó có thể có giảm giá như những lần trước dù xăng giảm 1000đ/l. Lí do là, hầu hết các doanh nghiệp vừa hoàn thành giảm giá cách nay 10 ngày. Nếu có, theo ông Minh, chỉ có thể là số ít doanh nghiệp cùng chủng loại xe nhưng giá vẫn cao hơn do những lần trước giảm "chưa tương xứng" so với mặt bằng chung!

TP.HCM: DN vận tải vẫn kêu khó

Đại diện của Công ty xe khách Hoàng Long tại TP.HCM cho biết, không nằm ngoài quy luật của thị trường kinh doanh vận chuyển khách, công ty cũng sẽ xem xét giảm giá cước. Tuy nhiên, công ty cần một khoảng thời gian ngắn để cân đối mức giảm cụ thể như thế nào.

“Nếu không giảm thì cũng chết” - đại diện này nói. “Đợt giảm giá xăng dầu gần đây nhất, công ty đã giảm khoảng 30.000 đồng/vé (tương đương 7%). Việc giá xăng dầu, tăng giảm đã làm thay đổi dự trù kinh doanh của công ty”.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Rạng Đông cho biết sẽ không tăng giá cước đối với xe khách đường dài vì trong suốt 6 năm qua, giá vé xe của công ty vẫn giữ ở mức cũ. Nhưng đối với taxi, ông Tâm nói cũng sẽ giảm để có thể cạnh tranh được với các hãng taxi khác. Tuy nhiên, do taxi Rạng Đông vừa mới giảm giá cước từ 10.500 đồng/km xuống 10.000 đồng/km cách đây hai ngày nên việc giảm giá tức thời sẽ khiến công ty gặp khó khăn.TIN LIÊN QUAN
Xăng giảm giá, xe ôm Hà thành vẫn “chém đẹp”
Dầu giảm mạnh xuống dưới 50 USD/thùng, nhiều nước hạ giá xăng
Học lái ôtô bị phụ thu phí xăng dầu vô tội vạ!
Giá xăng giảm thêm 1.000 đồng từ tối 1/12/2008

Theo ông Tâm, mỗi lần giá xăng tăng, giảm, công ty gặp nhiều rắc rối do phải làm lại thủ tục đăng ký giá với cơ quan quản lý.

Đối với xe đò, những vé đã lỡ in mệnh giá cũ phải bỏ đi và tiến hành in mới. Việc “chọn” xí nghiệp in vé không phụ thuộc vào doanh nghiệp mà do Sở Tài chính TP.HCM chỉ định nên thời gian chờ đợi lâu. “Một đợt như vậy cũng bỏ phí hơn 40 triệu đồng tiền in vé. Đó là chưa kể, gần đến dịp Tết, các nhà in tranh thủ in lịch để kiếm lời chứ in vé thì lời bao nhiêu” - ông Tâm nói.

Ông Võ Ba, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ngôi sao tương lai (Future Star) cho biết sẽ tiếp tục giảm giá cước taxi ít nhất 800 đồng/km trong tuần này tại Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. Hiện giá cước taxi của hãng này ở mức 9.800 đồng/km.

Thừa nhận, giá xăng dầu giảm thì công việc kinh doanh của DN sẽ đỡ áp lực hơn. Tuy nhiên, ông Võ Ba cho rằng giá xăng, dầu thường xuyên “hắt hơi, sổ mũi” sẽ gây xáo trộn lớn cho DN, nhất là thỏa thuận tỉ lệ ăn chia của công ty đối với lái xe.

“Trong thời điểm giá xăng dầu tăng cao ở mức đỉnh điểm, công ty đã bù lỗ tối đa bằng cách tăng thêm 4% tỉ lệ ăn chia cho lái xe. Nhưng khi giá xăng dầu thay đổi thì tỉ lệ này không thay đổi, công ty không được lợi gì” - ông Võ Ba nói.

Nhiều DN áp dụng cách thức phân chia tỉ lệ doanh thu với tài xế cũng gặp phải tình trạng tương tự như Future Taxi. Các chủ DN đều “ngán” vì sợ giảm tỉ lệ ăn chia sẽ làm cho tài xế tức giận gây nên tình trạng lãn công, đình công ảnh hưởng đến công việc kinh doanh và uy tín của hãng.

Mặt khác, hiện thời, nghề tài xế taxi đang “có giá”. Nhiều hãng taxi muốn thu hút tài xế về làm cho hãng mình đã không ngần ngại dành tỉ lệ ăn chia doanh thu cho tài xế với mức hấp dẫn nhất.

Theo tính toán của ông Võ Ba, mỗi lần thay đổi giá cước, ít nhất 300 phương tiện của hãng phải lần lượt vào bãi nằm chờ lập trình lại đồng hồ với thời gian bỏ phí từ 3 - 4 tiếng đồng hồ. Chưa kể, công ty phải in lại bảng giá, sửa lại hợp đồng và còn phải chịu mức phí 70.000 đồng cho mỗi taxi khi kiểm định, lập trình lại đồng hồ tính cước.