Hàng Tết không thiếu, giá vẫn cao

09:20, 20/01/2009

"Măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, nước mắm, tương ớt... em không mua ngay mấy ngày giáp Tết giá tăng cao lại bảo chị không báo trước" - lời cảnh báo khiến chị Mai ở Hà Nội, chột dạ, vội ghé vào mua. Tại TP HCM, giá một cặp bánh chưng đã leo tới 200.000 đồng.

"Thôi thì đằng nào cũng phải dùng đến, tranh thủ mua phòng khi mấy ngày giáp Tết giá tăng cao", chị Mai cho biết. Ban đầu, chị chỉ định mua khoảng một cân măng khô, nửa cân hành khô, miến, bóng lớn, mì chính. Nhưng rồi lời cảnh báo của chị bán hàng cứ văng vẳng bên tai khiến chị mua liền một lúc tới 500.000 đồng với đủ thứ gia vị mắm muối tương cà, đủ phục vụ gia đình chị trong một tuần diễn ra Tết Nguyên đán.

Chị Mai nhẩm tính so với cách đây một tuần, giá hầu hết các mặt hàng này đều tăng khoảng 5% - mức tăng này không đột biến nên chỉ những ai thường xuyên đi chợ và thật chú ý mới nhận ra. Chẳng hạn một lọ tương ớt Trung Thành giá 8.500 đồng, đắt hơn 500 đồng so với tuần trước và đắt hơn 2.500 đồng so với những ngày cuối tháng 12/2008.

Giống như mọi năm, rau, quả, củ và các loại thực phẩm như thịt gà tôm cua... vẫn là các nhóm mặt hàng tăng giá nhiều nhất. Chị Phương ở phố Hào Nam Hà Nội than thở: "Năm nay thời tiết chẳng lạnh, rau quả chẳng mất mùa mà giá cứ đều đều tăng lên". Từ cọng rau muống, quả cà chua cho đến đậu đỗ, khoai tây, xà lách đều được niêm yết giá mới tăng ít nhất là 500 đồng.

Không chỉ chị Mai, chị Phương mà khoảng một tuần nay, nhiều người đi chợ ở Hà Nội cũng bắt đầu than phiền về chuyện giá các loại thực phẩm tăng quá nhanh. Chị Hòa ở Cầu Giấy cho biết rau muống trước có 4.000 đồng một mớ, giờ đã tăng lên 5.000 đồng có lúc lên 5.500-6.000 đồng. Cà chua giá 12.000-14.000 đồng một kg (tùy loại to nhỏ khác nhau) nay tăng lên 16.000-18.000 đồng một kg. Đậu côve giá 10.000 đồng một kg (tăng 2.000 đồng một kg) so với hồi đầu tháng 12/2008...

Ngoài rau, quả, các loại thực phẩm như thịt gà, thịt vịt, bò lợn cũng rục rịch niêm yết giá bán từ hồi tuần trước và đến nay, giá tăng thêm ít nhất 2.000 đồng cho mỗi kg.

Tại chợ Quảng Bá, Hà Nội, mỗi kg thịt bò thăn đã được chào bán với giá 135.000 đồng, đắt hơn 5.000 đồng so với tháng trước. Bò bắp giá 127.000 đồng, các loại bò loại ba giá phổ biến từ 85.000 đồng đến 105.000 đồng, đắt hơn 5.000 đồng đến 7.000 đồng mỗi kg. Thịt gà ta cũng bị đội thêm 2.000-3.000 đồng và được chào bán với giá 95.000 đồng một kg. Các loại đồ hải sản, thịt lợn cũng được dự báo sẽ tăng ít nhất 5.000 đồng mỗi kg trong những ngày giáp Tết. Các loại, tôm cua, cá, ngao, sò ốc cũng tăng từ 1.000 đến 3.000 đồng mỗi kg, tùy loại.

Chiều qua, chị Quỳnh ở Tây Hồ mua một lạng cua với giá 6.000 đồng, đến sáng nay, giá đã tăng lên 8.000 đồng. Chị thắc mắc thì được chủ hàng trả lời rằng, do nơi cung cấp nguồn hàng tăng giá khiến họ cũng buộc phải nâng giá bán. Và một lý do khác được người bán hàng giải thích là: "Ngày Tết mà, cái gì chẳng tăng giá".

Tại TP HCM nhiều mặt hàng thực phẩm đồ uống, nước giải khát, bánh kẹo cũng liên tục niêm yết giá bán mới, tăng thêm 5-10% so với ngày thường.

Gian hàng nhận đặt bánh chưng, bánh tét của chị Thảo Trang trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh đông nghịt khách ghé hỏi mua. Tuy nhiên, ai cũng do dự, bất ngờ khi cặp bánh chưng đẹp như năm ngoái lên đến 200.000 đồng. Theo lý giải của chủ cửa hàng, từ thịt, đậu xanh, nếp cho đến lá dong, lạt buộc, tăng đều "bước", giá thành sản phẩm do vậy cũng phải tăng. Chị Trang còn cho biết: "Từ 26 âm lịch, cửa hàng sẽ không nhận đặt nữa và lúc ấy còn cái nào thì khách mua cái ấy".

Mới đổ về ngày đầu tiên, chủ nhiều vựa dưa trải dài trên đường Nguyễn Văn Giai, quận Bình Thạnh, cũng đã đe giá dưa hấu năm nay sẽ tăng cao, nhất là những ngày gần đón giao thừa. Bởi lẽ, số lượng hàng về hiện chỉ mới đạt 30% so với Tết năm Mậu Tý, do mưa trái mùa, thất thường khiến người trồng dưa không trở tay kịp. Chính vì thế, các thương lái đến từ Long An, Tiền Giang, Thốt Nốt ước tính, lượng cung ứng cho thị trường giảm đến 40%. Ngày đầu mở hàng, nhiều khách đã ghé mua nhưng ngao ngán vì giá tăng mạnh.

Một cặp dưa đẹp mua thời điểm này năm ngoái giá tầm 250.000 đồng (hơn 20 kg) nhưng các chủ vựa cho biết, giá hiện ở 320.000 đồng. "Và đó chưa phải là mức cuối cùng đâu", chủ vựa dưa từ Thốt Nốt vận chuyển hàng lên, anh Thanh Phong cho biết.

Hòa cùng vũ điệu tăng giá, các loại bia từ mấy ngày nay được liên tục điều chỉnh giá bán. Cách đây một tuần, thùng bia 333 giá 178.000 đồng đã vọt lên 187.000 đồng sáng hôm qua và hiện được bán với mức 192.000 đồng. Heniken đắt thêm 10.000 đồng một thùng, giao dịch ở 330.000 đồng. Riêng các loại nước ngọt như Coca Cola, Chương Dương hay Trà xanh chỉ nhích nhẹ 5%, chị Thu Linh, chủ đại lý bia, nước ngọt quận Bình Thạnh cho biết.

Các chủ cửa hàng dự báo, giá cả biến động trong những ngày sắp tới còn tùy thuộc vào cung cầu thị trường, nhưng nhiều khả năng, giá sẽ không tạo thêm cú sốc nữa.

Không dừng lại ở đó, các mặt hàng mang hương vị ngày Tết như bánh mứt, tôm khô, củ kiệu, lạp xưởng, giò chả, nem... từ ngày tiễn ông Công ông Táo đến nay cũng đã bước sang giá mới, cao thêm 5-10%. Dạo quanh các sạp tạp hóa tại chợ Bà Chiểu, Thị Nghè, Thái Bình... tiểu thương cho biết, sức mua có phần tăng lên kéo giá những mặt hàng này "trở mình". Ngay cả cau, trầu, vôi cúng trong ngày Tết cũng nhảy thêm 10% so với ngày thường.

Riêng trái cây do không bảo quản được lâu và đảm bảo độ tươi mới cho nên lượng tiêu thụ hiện vẫn chưa lên mức cao trào, ngoại trừ bưởi. Quả bưởi tròn, đẹp, lá xanh um, khoảng 2,5 kg được chào bán 18.000 đồng mỗi kg, tăng 4.000 -5.000 đồng so với thường lệ. Hoa cúc, vạn thọ, huệ trắng, huệ đỏ cũng đang rục rịch tăng trong những ngày sắp tới.

Người dân cũng e ngại sự leo thang của giá rau củ các loại những ngày cận và trong Tết. Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, hiện nay mỗi đêm lượng rau củ về chợ lên đến 3.100 tấn thay vì mức 2.800 tấn như thường lệ. Hàng sẽ về cao điểm vào 27, 28 âm lịch, có thể lên 3.500 tấn nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết cho người dân. Chính vì vậy, không lo thiếu hàng cung ứng. Giá các loại rau củ hiện chỉ nhích nhẹ theo thông lệ hàng năm, cao hơn 500 đồng đến 1.500 đồng.

Cận Tết, sức tiêu thụ hàng hóa tại các chợ, siêu thị nhộn nhịp hơn. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Hòa, mấy ngày qua, sức mua tại hệ thống siêu thị cao hơn ngày thường 40%, đẩy doanh thu hầu hết mặt hàng đi lên.

Hiện sức mua tập trung mạnh vào các loại bánh mứt, giỏ quà, nước giải khát, có loại tăng đến 100%. Riêng mức tiêu thụ những mặt hàng trữ dùng trong ba ngày Tết như dầu ăn, gạo, gà, thịt heo, thịt bò dự kiến sẽ tăng mạnh áp đảo vào khoảng 27 âm lịch, ông Hòa cho biết.

Nhận xét về việc giá nhiều mặt hàng thực phẩm, đồ uống liên tục đội giá dù các nhà sản xuất luôn khẳng định rằng: Tết này không thiếu hàng, sức mua giảm và giá cả không đột biết, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội - Hà Nội cho rằng rất khó kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu tại thị trường tự do.

Năm nào các bộ ngành cũng có chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo nguồn hàng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời kiểm soát giá cả tránh hiện tượng tăng đột biến. Thế nhưng năm nào cũng vậy: Cứ đến Tết là giá cả lại tăng.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Giá cả, Bộ Tài chính nhắc lại câu nói chưa bao giờ cũ rằng: "Có vẻ như doanh nghiệp và người bán hàng VN ít có tư duy giảm giá".

Ông Ánh cho rằng lâu nay vẫn tồn tại trong doanh nghiệp một lối tư duy tăng giá, các đợt giảm giá một số mặt hàng thời gian qua hầu hết là do sức ép bên ngoài, chứ không phải do chính doanh nghiệp chủ động thực hiện. Theo ông, phần lớn các văn bản quản lý giá của Nhà nước cũng chỉ lường tới các vấn đề bình ổn giá, giữ giá chứ ít khi tính tới kịch bản giá sẽ giảm.

Theo ông, để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay, doanh nghiệp phải nhìn nhận được mức giá họ bán đang rất cao nếu so sánh với mức thu nhập của người dân. Đó là chưa tính tới việc thị trường đã mở cửa, nhiều sản phẩm nước ngoài tràn vào VN với giá thấp hơn. Do đó, để tồn tại, tiếp tục quay vòng sản xuất, doanh nghiệp phải nghĩ cách giải phóng hàng, kích thích tiêu dùng bằng cách đơn giản nhất giảm giá, bớt lợi nhuận...