Người tiêu dùng đang đẩy giá sữa ngoại lên cao

09:32, 08/07/2009

Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, ngoài chi phi quảng cáo, giá thành bao bì đắt đỏ, nguyên nhân đẩy giá sữa ngoại cao gấp 2, 3 lần giá gốc là do khách hàng mặc định đồ ngoại tốt, của rẻ là của ôi.

 

Theo nghiên cứu của Cục Quản lý Cạnh tranh công bố sáng 7/7, tại hội thảo "Giá sữa và vấn đề kiểm soát", giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam so với các nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cao hơn 20- 60%, cá biệt tới 100- 150%. Cùng là sữa Dutch Lady 1, 2, 3 nhập khẩu từ Hà Lan, nhưng giá bán tại Việt Nam cao hơn ở Malaysia khoảng 30%. Sữa Pedia Sure thuộc hãng Abbott nhập khẩu từ Mỹ có giá hơn Thái Lan 20%, khoảng 25- 30% so với MalaysiaIndonesia.

 

Hiện thị trường Việt Nam có khoảng hơn 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu hay thành phẩm. Các chuyên gia cho rằng, thuế suất trung bình đối với sữa nhập khẩu vào Việt Nam thấp hơn nhiều so với một số nước nhưng giá sữa vẫn cao là một nghịch lý. Thực tế, môi trường cạnh tranh càng mạnh mẽ, các hãng sữa càng phải hạ giá thành để thu hút người tiêu dùng song từ năm 2007, giá sữa liên tục tăng.

 

Một số ý kiến, giá sữa ngoại tăng cao một phần do tỷ giá hối đoái lên, giá vốn nhập khẩu chiếm tới khoảng 90% giá vốn hàng hóa kèm bao bì đắt đỏ. Song bà Trần Thị Sương, Câu lạc bộ Người tiêu dùng nữ, Hội bảo vệ Người tiêu dùng cho rằng, các bà mẹ sẵn sàng chọn sữa ngoại đắt tiền gấp 2, 3 vì họ có cảm giác an toàn, chất lượng đảm bảo, nhiều dinh dưỡng hơn so với sữa nội. "Bắt được tâm lý này, các sữa ngoại đua nhau tăng giá bán. Các doanh nghiệp muốn để giá thấp cũng không được vì sợ khách hàng cho là "của rẻ là của ôi" nên tự đẩy giá bán lên cao", bà Sương nói.

 

Tâm lý sính ngoại mạnh đến mức nhiều khách hàng tự mặc định hãng sữa sản xuất từ Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Nhật luôn luôn có chất lượng tốt. Một số hãng sữa xuất khẩu sang các nước rất được ưa chuộng trong khi thị trường nội địa lại khó phát triển. Một công ty sữa có tên tuổi cho hay, hãng này xuất khẩu đến 50% mặt hàng sữa bột sang các nước Trung Đông và tiểu vương quốc Ả rập trong khi đó thị phần trong nước lại rất ít.

 

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó tổng giám đốc Công ty thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood), cho rằng, đã đến lúc cần xem lại quan niệm sữa ngoại tốt hơn sữa nội. Bởi thực tế, cả hai loại sữa này đều sử dụng nguyên liệu là sữa bột sản xuất từ Australia, NewZealand, Hà Lan. Về thành phần dinh dưỡng cơ bản, các sữa nội và ngoại đều giống nhau. "Vấn đề ở chỗ chiến lược xây dựng thương hiệu đã ảnh hưởng tới giá thành của sản phẩm. Ngoài ra, chi phí đóng gói tại nước ngoài dẫn đến giá sữa ngoại đắt hơn", bà Hương nhận định

 

Không ít doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật để "mê hoặc" người tiêu dùng và đẩy chi phí quảng cáo cho khách hàng chịu. Việc người tiêu dùng không lấy hóa đơn thanh toán để làm bằng chứng giúp cơ quan chức năng điều tra cũng là một hành vi sẵn sàng tự mình móc túi để đẩy giá sữa lên cao.

 

Tuy nhiên, ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện Hội đồng kinh doanh Mỹ ASEAN tại Việt Nam lại có nhận định trái ngược. Ông Thành cho rằng, chính nhà kinh doanh là người muốn cắt giảm chi phí quảng cáo để bán giá thấp nhất, song Việt Nam có môi trường cạnh tranh khốc liệt, các hãng sữa đều phải tự tìm ra chiến lược riêng. "Cạnh tranh là cuộc chơi khốc liệt mà ai không đảm bảo chất lượng sẽ bị loại. Hơn ai hết, những người tiêu dùng thông minh sẽ không chạy theo số đông mà tìm ra các loại sữa phù hợp với nhu cầu, sở thích của con em mình, ông Thành chia sẻ.

 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Thomas W.Felber, Giám đốc văn phòng Hà Nội thuộc Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu nhận định, giá trị của công thức sữa không chỉ so sánh bằng giá. Các công thức sữa đã được xây dựng dựa trên hàng thập kỷ nghiên cứu khoa học kỹ thuật. "Sản phẩm sữa ngoại đảm bảo chất lượng và an toàn nghiêm ngặt nhất để đáp ứng nhu cầu mọi người. Đó là lý do có sự tăng nhanh số lượng và chủng loại các công thức sữa trên thị trường", ông Thomas W.Felber nói.

 

Ông Đặng Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng sữa là một trong 14 mặt hàng bình ổn giá, sắp tới cục sẽ phối hợp với các bộ ngành để kiểm tra khảo sát các hành vi tự ý đẩy giá sữa lên cao. "Nhà nước đã có sự khống chế về quảng cáo và tiếp thị. Vấn đề ở chỗ các chuyên gia dinh dưỡng phải lý giải để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng để có sự lựa chọn bình đẳng về sữa nội và ngoại", ông Hải nói.