Giá USD giảm, giá vàng tăng kỷ lục: Tăng nguy cơ giảm phát

16:00, 10/10/2009

Ba ngày qua, thế giới đã chứng kiến sự "leo thang" ngoạn mục của giá vàng khi nó liên tiếp lập những kỷ lục sau mỗi ngày giao dịch. Vượt qua đỉnh cao 1.032,7 USD/1 ao-xơ đạt được tháng 3-2008, hiện giá vàng đã lên mức 1.062,70 USD/ao-xơ trong khi vàng giao tháng 12 tăng 1,2% lên 1.056,30 USD/ao-xơ. Như vậy chỉ trong vòng hai tuần, giá vàng đã tăng 5,3% và trong 6 tháng qua tăng 21,7%.

 

Vàng luôn được xem là nguồn đầu tư an toàn nhất, đã liên tục lên giá trong những tháng vừa qua cho thấy nền kinh tế toàn cầu chưa thoát khỏi suy thoái. Mặc dù xuất hiện nhiều dấu hiệu hồi phục, song vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, tình trạng lạm phát tăng nhanh. Trong khi đó, USD, đồng tiền chủ chốt trong dự trữ và giao dịch thương mại quốc tế đang suy yếu. Những lý do đó đã thúc đẩy các nhà đầu tư "đổ" tiền vào vàng để giữ giá cho những tài sản định giá bằng USD.

 

Giá trị đồng USD của Mỹ đã "xuống dốc" mạnh ngay sau khi có tin các quốc gia A-rập ở Vùng Vịnh bí mật thảo luận với Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp về việc thay đồng tiền này bằng một loại tiền tệ khác trong mua bán dầu mỏ. Các cơ quan Liên hợp quốc cũng đang kêu gọi xây dựng một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới nhằm chấm dứt sự thống trị của USD. Những thông tin trên, mặc dù chưa được các nước xác nhận nhưng đã làm cho đồng ơ-rô tăng giá 0,5% so với đồng USD (1 ơ-rô = 1,4722 USD), trong khi đó bảng Anh tăng 0,4% (1 bảng = 1,5991 USD). Đồng USD cũng giảm 0,7% so với đồng yên của Nhật Bản (1 USD = 88,91 yên).

 

Các nước xuất khẩu dầu mỏ không muốn tiếp tục sử dụng USD bởi trên thực tế giá trị của "đồng bạc lưng xanh" đã đi xuống khá nhanh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm ngoái. Lo ngại ngày một lớn thêm với việc thâm hụt ngân sách của Mỹ đã đạt mức kỷ lục 1,4 nghìn tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30-9 và khả năng USD tiếp tục sụt giá là hoàn toàn có thể. Ngoài nguyên nhân của quy luật kinh tế, nhu cầu tiêu thụ cũng là một lý do khiến giá vàng tăng. Thông thường giá kim loại quý này có xu hướng cao hơn trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm do nhu cầu dùng vàng để làm trang sức nhân dịp lễ Giáng sinh và lễ Đi-oa-li của người Ấn Độ. Trong ngày lễ này, cộng đồng người Ấn Độ trên khắp thế giới dùng vàng như là món quà tặng cho người thân, bạn bè. Vàng tăng giá đã kéo một số kim loại khác tăng theo như bạc thêm 3%, lên 17,815 USD/ao-xơ, pla-tin tăng 0,9% lên 1.353,20 USD/ao-xơ và đồng tăng 2,4% đạt mức 6.060 USD/tấn...

 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, từ nay đến cuối năm, nếu đồng USD vẫn yếu thì giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng cho dù đã leo lên "đỉnh cao". Tuy nhiên, 18 tháng qua, giá vàng thường điều chỉnh mỗi khi lên mức 1.000 USD/ao-xơ và ngay khi đồng USD mạnh trở lại, đà tăng của giá vàng lại được "phanh gấp". Bên cạnh đó, nếu giá tiếp tục tăng, hoạt động chốt lời sẽ diễn ra mạnh mẽ. Thị trường vật chất thường đứng yên sau mức giá cao và điều đó sẽ dẫn đến sự điều chỉnh bởi nhu cầu tiêu thụ giảm. Dưới góc độ kinh tế, các tổ chức tư vấn kinh tế thế giới tháng trước đã cảnh báo giá vàng tăng sẽ ảnh hưởng tới các gói kích thích kinh tế toàn cầu, khiến các biện pháp này không thúc đẩy được nhu cầu tiêu dùng và kết quả là nền kinh tế bị giảm phát.

 

Không chỉ là nguyên nhân chính dẫn tới việc giá vàng tăng nhanh, đồng USD mất giá cùng lúc Chính phủ Mỹ nâng mức dự báo về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đã khiến giá dầu mỏ thế giới tiếp tục tăng. Tại Niu Yoóc, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11-2009 đã có lúc tăng lên 71,97 USD/thùng, mức cao nhất trong 2 tuần qua, trước khi duy trì ở mức 70,29 USD/thùng. Ở Luân Đôn, giá dầu thô Brent biển Bắc nay cũng đã lên 67,94 USD/thùng.