Giá đường trong nước đồng loạt giảm mạnh

15:11, 27/03/2010

Giá đường trong nước đồng loạt giảm mạnh do chịu tác động của giá đường thế giới, khiến các doanh nghiệp đường phía Nam đang đua nhau bán ra do lo sợ giá còn tiếp tục giảm…

 

Tại hội nghị toàn thể thành viên Hiệp hội mía đường Việt Nam, tổ chức tại TP.HCM  ngày 26/3, bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Mía đường Biên Hòa cho biết, giá đường thế giới giảm mạnh (gần 300 USD/tấn) đã đẩy các doanh nghiệp đường trong nước vào thế “dẫm đạp” lên nhau.

 

Bà Sum phân tích, trong khi các nhà máy đường tại ĐBSCL tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu đã đẩy giá mía có thời điểm lên tới 1,5 – 1,7 triệu đồng/tấn, còn doanh nghiệp phía Bắc chỉ duy trì mức giá 600.000 – 700.000 đồng/tấn. Trong tình thế ngành mía đường đang chịu sức ép từ giá đường thế giới thì doanh nghiệp phía Bắc lại đua nhau chở đường “Nam tiến”.

 

Tại cảng Sài Gòn, giá đường miền Bắc được chào với giá 14.000 đồng/kg, thấp hơn từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Áp lực phải trả tiền cho người trồng mía, đồng thời sợ giá tiếp tục xuống, các nhà máy đường phía Nam đua nhau bán ra, khiến giá đường giảm chóng mặt.

 

Nhiều nhà máy đường phía Nam cho rằng, với giá hiện tại (14.000 đồng/kg), các nhà máy chịu lỗ ít nhất 2.000 đồng. Một doanh nghiệp sản xuất đường tại ĐBSCL gọi tình trạng giảm giá đường hiện nay là “thác đổ” chứ không phải là “tụt dốc”.

 

Nhiều doanh nghiệp đường thương mại còn than dữ dội hơn, nhất là đối với những lô đường nhập khẩu. Những doanh nghiệp này cho biết, họ nhập đường ở thời điểm 730 – 750 USD/tấn, nhưng hiện giá đường thế giới chỉ còn khoảng 520 USD, mỗi tấn đường doanh nghiệp lỗ ít nhất 200-250 USD.

 

Theo nhận định của ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty Mía đường Cần Thơ, rất có thể thị trường đường đang bị các nhà đầu cơ làm giá, mục đích khi đẩy giá xuống thấp sẽ tìm cách tích trữ rồi lại tạo ra khan hiếm nhằm đẩy giá lên để hưởng chênh lệch.

 

Giá đường giảm sâu ngay thời điểm vụ trồng mới đang chuẩn bị bắt đầu khiến người trồng mía nao núng! Ảnh: KV

 

Dù các nhà máy khẳng định, từ hai tuần nay giá đường bán buôn đã giảm từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, tuy nhiên giá đường bán lẻ trên thị trường vẫn chưa chịu giảm. Ngoài một số siêu thị công bố giảm, mức giảm từ 300 – 500 đồng/kg, còn tại các chợ, cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM giá đường vẫn ở mức 20.000 – 21.000 đồng/kg.

 

Vai trò như một đại lý cấp 1, bà Nguyễn Thị Minh Thái, Giám đốc công ty TNHH Thực phẩm công nghệ Minh Tâm giải thích, đường sau khi doanh nghiệp mua tại nhà máy ít nhất phải qua từ 3-5 cấp đại lý mới có thể đến được tay người tiêu dùng.

 

Trong khi đó, đại diện công ty đường BourBon Tây Ninh cho biết, dù giá thế giới giảm nhưng tại Thái Lan, Trung Quốc… mức giá bán lẻ tại thị trường trong nước vẫn trên 20.000 đồng/kg.

 

Nhiều doanh nghiệp đề xuất, Hiệp hội mía đường Việt Nam nên hình thành một quỹ bình ổn giá, được Nhà nước hỗ trợ lãi suất… để doanh nghiệp có thể chủ động tích trữ đường khi có biến động giá.

 

Còn theo ông Nguyễn Thành Long, các doanh nghiệp nên hạn chế tình trạng ào ạt bán ra lúc này vì rất dễ đẩy thị trường thêm hỗn loạn. Mặt khác, từ niên vụ mía đường tiếp theo hiệp hội hay ngành nông nghiệp nên hình thành một khung quản lý cả giá mía lẫn giá đường.

 

Vấn đề khó khăn đối với hiệp hội mía đường Việt Nam hiện nay là với xu hướng giá đường giảm sâu ngay thời điểm người trồng mía đang bước vào vụ trồng mới. Trong khi một số loại cây trồng khác đang có lợi thế so với cây mía, điều này có thể khiến nông dân các vùng mía vì sợ rủi ro sẽ chuyển sang những loại cây trồng khác như: mì (sắn), cao su…