Cơ hội mới cho vải thiều qua cửa khẩu Lào Cai

08:28, 02/06/2010

Ông Lê Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai cho biết năm nay có nhiều cơ hội mới cho hàng vải thiều qua qua cửa khẩu này.

 

Những thuận lợi chính là Quốc lộ 70 đã nâng cấp, đi lại rất thuận tiện, rút ngắn thời gian và đảm bảo an toàn trong vận chuyển hàng qua cửa khẩu. Xe chuyên dụng gọn nhẹ đã thay thế xe đẩy cồng kềnh ách tắc giao thông.

 

Mặt khác, thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của Bộ Công Thương được thực hiện tại Lào Cai và Hải quan Lào Cai đã và đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, chủ hàng chỉ phải làm một bộ tờ khai, lệ phí hết 20.000 đồng.

 

Việc kiểm tra hàng cũng đã được cải tiến, cán bộ hải quan tiến hành kiểm tra chọn mẫu theo phương pháp xác suất, như vậy cũng sẽ nhanh hơn.

 

Năm 2010, dự tính có trên 15.000 tấn quả vải tươi xuất sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tăng 15% so với niên vụ 2009.

 

Từ giữa tháng 5, mỗi ngày đã có hàng chục tấn vải quả tươi xuất sang Trung Quốc.

 

Cũng theo ông Lê Phương, đến nay đã có hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia xuất khẩu vải.

 

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân xuất hàng được nhanh, Hải quan Lào Cai cùng với các ngành liên quan đã khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước nên ký hợp đồng với các doanh nghiệp Trung Quốc để làm thủ tục cấp C/O do Bộ Công Thương Việt Nam cấp cho quả vải tươi đi theo đường chính ngạch.

 

Việc ký hợp đồng thương mại sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều chủ động điều tiết được lượng hàng trên cơ sở cung-cầu và tránh được tình trạng bị thương lái ép giá như những năm trước khi xuất hàng qua đường tiểu ngạch.

 

Trước đây, tuy quốc lộ 70 chưa hoàn thành việc nâng cấp nhưng hàng hóa nông sản trên cả nước đã có mặt rất nhiều ở Lào Cai. Vải thiều luôn chiếm khối lượng lớn từ 8.000 đến 12.000 tấn/năm, những ngày chính vụ lên đến 300 tấn/ngày.

 

Năm 2009, trong số 12.000 tấn vải quả qua cửa khẩu Lào Cai xuất sang Trung Quốc, chỉ có trên 1.200 tấn được cấp C/O tại Lào Cai, còn lại được mua bán qua đường biên mậu, tiểu ngạch. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp gặp rủi ro, bị ép giá bán rẻ và không ít thương lái "thua" ngay trên "sân nhà".