Thị trường Tết Trung thu: Nỗi lo không mới

07:57, 15/09/2010

Chẳng còn bao lâu nữa là đến Tết Trung thu, đây cũng là thời điểm câu chuyện về bánh kẹo và đồ chơi cho trẻ em được nhiều người quan tâm. Những năm qua, các cơ quan quản lý Nhà nước đã tích cực vào cuộc, ban hành nhiều văn bản, xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dân trong dịp này. Song, thị trường Tết Trung thu năm nay vẫn còn đó những nỗi lo.

 

Nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm

 

Như mọi năm, các mặt hàng bánh trung thu năm nay đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại. Trên địa bàn T.P Thái Nguyên, cách đây một tháng, các thương hiệu bánh kẹo lớn như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị… đã bắt đầu bày bán sản phẩm bánh Trung thu, bên cạnh cuộc cạnh tranh của các thương hiệu lớn, vẫn tồn tại những sản phẩm bánh trung thu “4 không” (không nhãn mác, không hạn sử dụng, không túi hút ẩm, không niêm yết giá). Một chủ gian hàng có bày bán bánh Trung thu tại chợ Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) cho biết: Cửa hàng mới nhập số bánh này từ Đông Anh (Hà Nội), có giá từ 30.000 đến 60.000 đồng/hộp, chất lượng đảm bảo. Nhưng khi kiểm tra kĩ sản phẩm, chúng tôi thấy có một số điểm đáng lo ngại như: Chi tiết in trên bao bì không sắc nét; hạn sử dụng in trên tem bảo đảm quá mờ, tem bảo đảm của một vài hộp bánh đã bong ra, không còn nguyên vẹn.

 

Tại gian hàng bán bún, ở chợ Phú Thái (T.P Thái Nguyên) cũng bày bán bánh trung thu, một phụ nữ trẻ đang niềm nở mời khách mua bánh nướng với giá từ 4 đến 10 nghìn đồng/chiếc. Số lượng bánh không nhiều, tổng giá trị chỉ khoảng vài chục ngàn đồng. Điều đáng nói là bao bì của số bánh này quá mỏng, không có hút ẩm, không có thời hạn sử dụng. Ngày sản xuất ghi trên một mảnh giấy nhỏ được phôtô hàng loạt có nội dung giới thiệu về hàng hóa và xuất xứ của nó. Khi nhận được thắc mắc về hạn sử dụng, người bán hàng cho biết: Vì ngày nào bán hết ngày đó, nên cơ sở sản xuất không ghi hạn sử dụng.

 

Trong vai một người muốn đặt mua số lượng lớn, theo địa chỉ ghi trên nhãn, khá vất vả chúng tôi mới tìm được cơ sở sản xuất Thao Thảo, nằm sâu trong ngõ nhỏ của tổ 18, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên). Tại đây, tất cả lao động của cơ sở này đều không có quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang khi làm việc để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Hàng trăm chiếc bánh mới ra lò được xếp trên những tờ báo cũ ngay dưới nền nhà, nguyên liệu được chứa trong những khay nhôm cũ, có vẻ không được đánh rửa thường xuyên, bao bì đóng gói có chữ Trung Quốc. Chủ cơ sở này cho biết: Giá cả rất hợp lý, mua với số lượng lớn sẽ có giảm giá. Có nhiều loại với những mức giá khác nhau, từ 3.000 đến 13.000 đồng/chiếc. Ngoài T.P Thái Nguyên, các sản phẩm này còn được phân phối về các địa phương trong tỉnh. Trong khi giá cả một số loại nguyên liệu đang tăng cao, chưa cần bàn đến chất lượng của nguyên liệu và hiểu biết của người lao động về VSATTP, cũng như quy trình sản xuất, khó ai có thể nghĩ rằng cơ sở này lại bán ra thị trường các sản phẩm có giá “ưu đãi” như vậy. Bên cạnh những sản phẩm được sản xuất trong tỉnh, còn nhiều loại bánh kẹo khác vẫn trôi nổi trên thị trường chủ yếu ở vùng nông thôn, người dân thường gọi là “kẹo cân”, trên bao bì có cả chữ Trung Quốc và Việt Nam, không hạn sử dụng, không xuất xứ. Tiềm ẩn trong những loại bánh kẹo đó là nguy cơ mất VSATTP và nỗi lo cho sức khỏe của người tiêu dùng.

 

Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP cho biết: Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 12 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh bánh Trung thu. Chi cục đang phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Y tế các huyện, thành thị tiến hành thanh, kiểm tra VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh bánh kẹo và các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Trung thu. Ông Cảnh cũng khuyến cáo thời điểm này đang có nhiều bệnh dịch trên gia súc, gia cầm, nên sẽ có cơ sở sản xuất vì hám lợi mà sử dụng các nguyên liệu kém chất lượng để chế biến. Người tiêu dùng nên sử dụng các loại sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu trên thị trường.

 

Đồ chơi “độc hại”

 

Bên cạnh bánh Trung thu, thị trường đồ chơi Tết Trung thu năm nay, hàng Trung Quốc vẫn chiếm vị trí thống trị. Dọc đường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) có đến gần chục cửa hàng bán đồ chơi Trung thu. Các loại mặt hàng khác như rôbốt, ôtô, máy bay, đồ chơi điều khiển từ xa,... đều có xuất xứ từ Trung Quốc, được mô phỏng giống hệt như trong các phim ăn khách và games online, giá dao động từ vài chục đến cả trăm ngàn đồng, nhưng vẫn có rất nhiều người mua. Các loại đồ chơi trong nước như đèn ông sao, đèn kéo quân, trống cơm… chỉ nằm ở vị trí khiêm tốn, chẳng mấy người quan tâm. Cũng tại các cửa hàng này, khách hàng không có khó khăn gì để mua được một số loại đồ chơi kích động bạo lực, dễ gây sát thương, ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của trẻ như gươm, gậy phát sáng, cung, nỏ,…

 

Tại cửa hàng đồ chơi Tranh Huế (số 3, tổ 22, phường Hoàng Văn Thụ), một nhân viên niềm nở giới thiệu cho chúng tôi những mẫu đồ chơi mới, có tên gọi là “Mặt nạ máu”. Loại đồ chơi này có phụ kiện gồm một mặt nạ kinh dị có đường dây dẫn để truyền chất lỏng màu đỏ đựng trong một lọ nhỏ được gọi là máu. Khi sử dụng, toàn bộ mặt nạ sẽ có màu đỏ, làm cho người khác phải kinh hãi. Chưa cần bàn đến việc hóa chất màu đỏ kia có độc hại hay không, chỉ cần đánh giá tính giáo dục của nó cũng đã có rất nhiều vấn đề. Ấy thế mà, mặt hàng này lại là một trong những mặt hàng rất đắt khách. Ngoài ra, loại đĩa bay UFO có xuất xứ từ Trung Quốc với giá từ 15.000 đến 20.000 đồng/chiếc đã có mặt trên thị trường tỉnh ta. Đây là loại đồ chơi đã được phòng thí nghiệm TUV Rheinland (tổ chức chuyên kiểm định và đánh giá chất lượng sản phẩm tại Việt Nam) khuyến cáo: 100% các mẫu được kiểm tra đều phát hiện thấy có hàm lượng chất độc hại Phthalates vượt quá tiêu chuẩn cho phép, có thể gây hại cho gan, thận, ảnh hưởng đến hormone, dễ gây đột biến cho thai nhi.

 

Ngoài các loại đồ chơi có chất lượng kém, độc hại, tính giáo dục kém xuất hiện tràn lan trên thị trường, thì ý thức của chính các bậc làm cha làm mẹ trong việc chọn lựa các loại đồ chơi cho con em mình cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Chị Nguyễn Thị Lan (phường Tân Thịnh, T.P Thái Nguyên) đang mua cho con mình một thanh kiếm phát sáng tại cửa hàng số 16, Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết : Thấy con nhà người ta có, các cháu khóc đòi mẹ mua bằng được. Dù biết là nguy hiểm nhưng đành phải chiều con vậy.

 

Ông Nguyễn Cao Cường, Trưởng phòng Quản lý Tiêu chuẩn - Chất lượng, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học-Công nghệ Thái Nguyên) cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện nay không có cơ sở sản xuất đồ chơi, các loại đồ chơi được nhập về từ những địa phương khác nhau. Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố có 17 cửa hàng đồ chơi. Hầu hết các cửa hàng chỉ bán đồ chơi kèm với các sản phẩm khác để thu lợi nhuận. Ngoài các cửa hàng còn có những người bán rong đồ chơi tại những nơi tập trung đông người, nhiều trẻ em với nhiều loại đồ chơi bạo lực, độc hại, phương thức hoạt động linh hoạt, gây khó khăn cho công tác quản lý. Cũng theo ông Cường, từ ngày 15-9, tất cả đồ chơi trẻ em được sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường phải gắn dấu hợp quy (CR). Những sản phẩm thiếu dấu CR sẽ bị coi là vi phạm quy định, bị tịch thu và xử lý.

 

Như vậy, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, rất cần ý thức bảo vệ khách hàng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu và đồ chơi trẻ em, cũng như ý thức tự bảo vệ mình của người tiêu dùng khi có nhu cầu sử dụng các loại sản phẩm này. Để những nỗi lo kia sẽ không còn trong những năm sau.