Giá vàng giảm nhẹ

13:41, 17/12/2010

Thị trường vàng trong nước sáng 17/12 bất ngờ quay đầu giảm sau khi tăng khá mạnh vào chiều qua, khi giá vàng thế giới đứng ở mức thấp.

 

Giá vàng SJC (mua vào-bán ra) tại Hà Nội lúc 11h sáng ngày 17/12 được niêm yết với giá 35,80-35,90 triệu đồng/lượng. Tại TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, giá vàng giao động ở mức 35,79-35,86 triệu đồng/lượng. So với cuối ngày giao dịch hôm qua giá vàng hạ 20.000 đồng/lượng, tuy nhiên tăng 100.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch sáng qua trên thị trường châu Á.

 

Trên thị trường thế giới, giá vàng tại phiên châu Á sáng 17/12 được giao dịch quanh vùng 1.376-1.377 USD/oz, tăng so với mức chốt phiên đêm qua tại thị trường New York là 1.370,5 - 1.371,5 USD/oz (mua vào – bán ra).

 

Theo thông tin từ quĩ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust, trong phiên giao dịch hôm qua ngày 16/12, quĩ này đã tiếp tục bán ra 2.429 tấn vàng, lượng nắm giữ vàng của quĩ giảm xuống mức 1,283.757 tấn. Từ đầu tháng 12 đến nay, sau khi vàng thiết lập đỉnh tại mức giá 1431, quĩ SPDR liên tục bán ra tổng cộng gần 15 tấn vàng 12 trong số 24 nhà giao dịch, nhà đầu tư và chuyên gia phân tích do Bloomberg khảo sát, tương đương 50% cho biết kim loại này sẽ giảm trong tuần tới; 8 người dự đoán giá sẽ lên cao hơn và 4 người còn lại có ý kiến trung lập.

 

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế tin tưởng vào triển vọng tăng giá trong dài hạn đối với giá vàng và cho biết, mặc dù khủng hoảng nợ châu Âu khiến euro giảm giá, USD tăng giá, nhưng sự việc này cuối cùng vẫn sẽ khiến giới đầu tư mua vàng để bảo đảm tài sản giá trị.

 

Peter Lee, chuyên gia phân tích vàng ở Bắc Kinh cho biết “Mọi người đang mua vàng xu và thỏi, trang sức để làm khoản đầu tư trong gia đình. Vàng đã trở thành một phần của văn hoá đầu tư gia đình. Có thể các hộ gia đình Trung Quốc sẽ đánh bại Ấn Độ trở thành nước nắm giữ vàng vật chất lớn nhất thế giới trong vài năm nữa.”

 

Theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới, tính đến giữa tháng 12, Mỹ vẫn duy trì vị trí đứng đầu về dự trữ vàng toàn cầu với 8133 tấn, chiếm 78,9% dự trữ ngoại hối.

Trong khi đó, các nước đang phát triển, gồm Nam Phi và Ả-rập Saudi, đang trở thành động lực chính đẩy dự trữ vàng lên cao. Tronng top 100 nước có dự trữ vàng lớn, 67% đến từ khu vực đang phát triển, so với 62% văn năm ngoái.

 

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và ngân hàng Trung ương châu Âu là những người bán vàng lớn nhất. Tính đến thời điểm cập nhật, dự trữ vàng của IMF giảm 158,6 tấn, còn 3217 tấn được sử dụng để bình ổn thị trường thế giới. Mới đây IMF đã quyết định bán một phần dự trữ vàng của mình để cho các nước bị khủng hoảng kinh tế vay.

Đáng chú ý, Pháp và Hà Lan không hề bán vàng trong năm qua. Trong khi đó, các nước đang phát triển cũng giảm mua vàng so với năm 2009.

 

Có thể thấy, tỷ lệ trữ vàng trong kho dự trữ ngoại hối của các nước phát triển rất cao. Với Mỹ là 78,9%, với Đức là 70%. Điều này phản ánh sự khác nhau trong quản lý hệ thống dự trữ ngoại hối giữa các nước phát triển và đang phát triển.

 

Mặc dù Trung Quốc có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, song dự trữ vàng của nước này chỉ chiếm 1,7% tổng dự trữ ngoại hối và xếp thứ 6 thế giới về dự trữ vàng. Tính từ năm 2003 đến nay, nước này đã tăng dự trữ kim loại quý này hơn 76% lên mức 1054 tấn.

 

Một số phân tích gia dự đoán cuối cùng Trung Quốc sẽ vượt qua Ấn Độ trở thành nước tiêu thụ vàng lớn nhất. Ước tính, mỗi hộ gia đình Ấn Độ hiện nắm khoảng 15 000 tấn vàng.