Nhộn nhịp du lịch dịp Giáng sinh - năm mới

13:26, 25/12/2010

Khi tờ lịch cuối cùng của năm cũ đang dần được gỡ xuống cũng là lúc hàng chục ngàn lượt du khách khoác ba lô lên đường thực hiện những chuyến hành trình đến khắp mọi miền đất nước chào đón Giáng sinh và năm mới 2011. Cùng với những chuyến hành trình trong nước, không ít người đã chọn "trời Tây" để tận hưởng những cảm giác mới lạ.

 

Sức hút tour nội

 

Dù chỉ số giá tiêu dùng tăng trong thời gian qua nhưng điều đó đã không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu đi du lịch. Trái lại, với mức giá ưu đãi cùng nhiều chương trình khuyến mãi nên các tour trong nước vẫn "hút" khách.

 

Đưa ra nhiều sản phẩm tour hấp dẫn với mức giá giảm khoảng 30%, Trung tâm Lữ hành Hanoi Redtour đã đón được 500 khách nội địa và 700 khách ra nước ngoài du lịch với mức tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtour cho biết, do mua được vé máy bay khuyến mãi nên dịp này, giá tour của công ty đưa ra vẫn nằm trong chương trình kích cầu du lịch. Chẳng hạn, tour đi Đà Lạt 4 ngày giá là 5.290.000 đồng, Nha Trang - Đà Lạt 5 ngày 4 đêm giá 5.950.000 đồng, Sài Gòn - Mũi Né 4 ngày 5.690.000 đồng, Đà Nẵng - Hội An - Lăng Cô 4 ngày 4.600.000 đồng, Cần Thơ - Châu Đốc - Hà Tiên 4 ngày 4.900.000 đồng… "Riêng giá vé máy bay đã giảm được 2 triệu đồng khiến giá tour trọn gói càng trở nên hấp dẫn", ông Hoan phân tích.

 

Tại các công ty du lịch như: Saigontourist, Bến Thành, Fiditour, Vietravel…, lượng khách cũng tăng từ 20% đến 30%. Nhiều hành trình đa dạng từ cao nguyên Đà Lạt, đồng bằng sông Cửu Long đến di sản văn hóa và các bãi biển đẹp miền Trung, tham quan Vịnh Hạ Long, cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) giàu giá trị văn hóa, lịch sử cũng đã được các hãng lữ hành trong Nam, ngoài Bắc đưa vào chùm tour phục vụ du khách. Đặc biệt, đối với các "điểm nóng" như: Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo, Phan Thiết… thường "cháy tour" dịp nghỉ lễ, mùa Giáng sinh và Tết Dương lịch năm nay cũng được các đơn vị ký kết trước hợp đồng đặt, giữ chỗ, đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách.

 

Trong các điểm đến trải dài từ Bắc - Trung - Nam, Sa Pa trở thành điểm du lịch thu hút đông khách nhất. Chị Nguyễn Thu Thủy, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra Hanoi) cho biết: "Với mong muốn đến Sa Pa để có cơ hội ngắm tuyết rơi nhưng việc mua vé tàu vô cùng vất vả. Trước Tết Dương lịch gần 1 tháng, cứ cách một ngày, tôi lại có mặt tại ga Hà Nội tìm mua vé tàu đi Lào Cai. Phải mất một tuần liên tục như vậy, tôi cũng chỉ mua được 1 đôi vé tàu ngồi dành cho lượt đi. Còn lượt về thì nhà ga chưa bán. Cuối cùng, phải nhờ người quen, tôi mới mua được đôi vé tàu nằm khứ hồi thông qua một công ty du lịch". Được biết, trong 2 ngày 24 và 25-12, các khách sạn tại Sapa như: Đặng Trung, Hàm Rồng, Châu Long… đã kín chỗ. Còn số lượng phòng nghỉ tại đây được khách đặt trong dịp Tết Dương lịch 2011 đã tăng lên hơn 90%.

 

Cùng với những tour nội địa, nhiều du khách lại thích có những chuyến sang "trời Tây" để ngắm cây thông Noel và ông già Tuyết. Hiện nay, các tour du lịch châu Âu và Bắc Mỹ được nhiều khách cao cấp lựa chọn. Còn khách du lịch phổ thông thì coi tuyến Hồng Kông, Quảng Châu - Thâm Quyến, Singapore và Malaysia lại hấp dẫn nhất, vì ngoài không khí Giáng sinh, năm mới nhộn nhịp, nơi đây còn có các chương trình mua sắm khuyến mãi, giảm giá lớn nhất trong năm.

 

Vẫn "bắt chẹt" khách

 

Tuy lượng khách năm nay tăng nhưng theo nhận định của các công ty lữ hành, tại các điểm du lịch không xảy ra tình trạng quá tải. Dù vậy, với những trường hợp khách lẻ, không thông qua các doanh nghiệp lữ hành sẽ trở thành nạn nhân của nạn "chặt chém".

 

Nói về chất lượng dịch vụ tại các điểm đến, ông Nguyễn Công Hoan nhận xét, ở bất kỳ điểm du lịch nào cũng xảy ra tình trạng "bắt chẹt", "làm giá" với du khách. Chính vì vậy, khi tự tổ chức tour, du khách nên tìm hiểu và tham khảo kỹ trước giá các loại dịch vụ nơi đến như: giá xe, thuê phòng, ăn uống... Để không lâm vào tình cảnh bị ép giá, trong dịp này du khách nên đăng ký điểm lưu trú qua các công ty du lịch uy tín để tránh trường hợp các nhà nghỉ, khách sạn tăng giá hoặc hủy hợp đồng tùy tiện.

 

Đến hẹn lại lên, mỗi khi vào dịp nghỉ lễ, vấn nạn "chặt chém" du khách đã, đang và sẽ làm xấu đi hình ảnh của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, trước vấn đề nhức nhối này, Tổng cục Du lịch lại cho rằng, thẩm quyền của họ không phải để xử phạt hành vi bắt chẹt khách của những cơ sở kinh doanh tại các điểm du lịch mà việc làm này phải do chính quyền địa phương thực hiện. Tổng cục Du lịch chỉ chịu trách nhiệm hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng và có những biện pháp hạn chế thực trạng trên. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít địa phương đưa ra những biện pháp xử lý hiệu quả các điểm kinh doanh "chặt chém" khách. Chính vì vậy, vấn nạn "bắt chẹt" khách vẫn tái diễn hết dịp nghỉ lễ này đến dịp nghỉ lễ khác.