Giá vàng bất ổn - tác động và những hệ lụy

15:23, 02/01/2011

Cùng với sự biến động mạnh của giá vàng, năm 2010 cũng chứng kiến nhiều biện pháp mạnh tay từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn nhiều khi giá vàng thế giới đang tiếp tục được dự đoán có những biến động lớn

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương - chuyên gia trong lĩnh vực tài chính kế toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân tích: “Những bất ổn của thị trường tài chính tiền tệ đã khiến giá vàng thế giới có sự biến động tăng/giảm với biên độ lớn. Tại Việt Nam, có thêm nguyên nhân là tâm lý của người dân bị tác động quá mức, môi trường kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, tỷ lệ lạm phát còn cao. Giá vàng trong nước biến động đã ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế, nhiều người dân bị thiệt hại khi chạy theo giá vàng…”.

Sáng 2/1/2010, trong phiên giao dịch đầu năm tại thị trường châu Á, giá vàng thế giới đã vọt lên mức 1.421 và 1.421,7 USD/oz (mua vào – bán ra), tăng 2,7 USD/oz so với phiên cuối năm đêm 31/12 tại thị trường New York.
 
Tại thị trường trong nước, lúc 8h30 cũng ngày, giá vàng SJC của một số công ty cũng nhảy lên mức 36,35 triệu đồng/lượng, tăng gần 350.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch cuối năm chiều 31/12.
 
Sự điên loạn của giá vàng
 
Mở cửa năm 2010 ở 26,7 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước đều đặn đi lên, dần tăng tốc vào tháng 8 và đạt mốc 36 triệu đồng ngày cuối năm. Như vậy, sau 1 năm, giá vàng đã tăng gần 10 triệu đồng/lượng. Trong quá trình này, thị trường trải qua hai cơn sốt giá lớn vào tháng 2 và tháng 11.
 
Ngày 5/2/2010, dân chúng nháo nhào khi chỉ sau một đêm, mỗi lượng vàng mất 1,5 triệu đồng, xuống quanh 25 triệu đồng. Tuy nhiên, đà giảm chỉ kéo dài được vài ba ngày. Nhân thời điểm giá thấp, người dân cùng nhà đầu tư tranh nhau mua vào khiến các cửa hàng có lúc không còn vàng để bán, đẩy giá quay lại mức 26,4 triệu đồng vào ngày 11/2. 
 
Phân tích diễn biến thị trường sáng 9/11 nhắc người ta nhớ đến “cơn bão” vàng cách đó một năm, trong buổi sáng 11/11/2009, giá vàng tăng tốc từ 27 triệu đồng lên trên 29,3 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới quy đổi tới 3,6 triệu đồng/lượng. Đến trưa cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước thông báo quyết định cho nhập vàng không hạn chế, lập tức giá vàng hạ nhiệt nhanh chóng, rơi xuống mức 25 triệu đồng/lượng.
 
Sáng 9/11/2010, thị trường vàng lại chứng kiến cơn bão kỷ lục, đầu giờ sáng, giá vàng đã vượt ngưỡng 37 triệu đồng/lượng. Đến 9h45, mốc giá 38 triệu đồng/lượng đã chính thức xuất hiện trên thị trường, sau đó, giá vàng tiếp tục bứt phá và ấn định mức đỉnh ở 38,2 triệu đồng/lượng vào cuối phiên giao dịch sáng. Nếu so với sáng trước đó một ngày (8/11), giá đỉnh này đã khiến vàng có thêm gần 3 triệu đồng/lượng.
 
Lượng giao dịch trong sáng 9/11/2010, cũng không khác là mấy so với diễn biến sáng 11/11/2009, tăng đột biến gấp hai, ba lần so với ngày thường. Người dân đổ xô đến các cửa hàng vàng, chen vai thích cánh để cố mua cho được vài lượng vàng, khiến nguồn cung từ ở hầu hết các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này trở nên cạn kiệt. Trước động thái hỗn loạn của người mua thì các chủ cửa hàng vẫn tỏ ra bình tĩnh, tiếp tục duy trì hoạt động bán ra bằng cách ghi giấy biên nhận, thu tiền ngay và hẹn thời điểm giao vàng sau cho khách hàng.
 
Giá vàng thế giới hôm đó cũng lập đỉnh mới ở 1.410 USD. Tuy nhiên, giá quốc tế tăng một thì trong nước tăng mười.
 
Cuối giờ sáng 9/11/2010, Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức truyền đi thông tin cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng phù hợp với nhu cầu. Ngay lập tức, giá vàng đã giảm hơn 1 triệu đồng/lượng với giá niêm yết bán ra 37,2 triệu đồng/lượng (lúc 13h30 cùng ngày).
 
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương: “Sự trồi sụt mạnh của giá vàng đem theo những rủi ro rất lớn cho cá nhân, tổ chức mua/ bán vàng với mục đích đầu cơ. Tại thị trường Việt Nam, cơn điên loạn của giá vàng ngày 9/11/2010 đã khiến hiệu vàng Tuấn Tài – một tiệm vàng lớn ở TP HCM - vỡ nợ, kéo theo tổn thất cho nhiều người dân có gửi vàng tại tiệm vàng này.
 
Sàn giao dịch vàng - lợi bất cập hại
 
Trước những biến động giá vàng gây sức ép tiêu cực lên thị trường tiền tệ, đặc biệt là thị trường ngoại hối, Chính phủ và NHNN đã có một số giải pháp quản lý, thậm chí giải pháp quyết liệt như đóng cửa sàn giao dịch vàng sau ngày 30/03/2010 (tiếp đó, được gia hạn đến hết ngày 31/07/2010); NHNN ban hành Thông tư 22/TT-NHNN về quản lý huy động và cho vay bằng vàng đối với tổ chức tín dụng, theo hướng thu hẹp đối tượng và hoạt động kinh doanh.
 
Trước đó, ở giai đoạn phát triển cao vào cuối năm 2008, năm 2009, các sàn vàng đã biến tướng, việc kinh doanh không gắn với vàng vật chất mà thực chất là cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước là loại hình kinh doanh chênh lệch giá (margin trading), và các sàn còn cho phép nhà đầu tư sử dụng đòn bảy tài chính rất cao.
 
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương: “Đây là loại hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro rất cao cho cả nhà đầu tư và cho chính các đơn vị kinh doanh sàn vàng. Thực tế các sàn giao dịch vàng đều thực hiện hoạt động mua, bán với nhà đầu tư qua các phương thức: Chủ sàn trực tiếp mua bán vàng với nhà đầu tư và phòng ngừa rủi ro bằng việc chuyển trạng thái ra nước ngoài thông qua hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài của chủ sàn; Chủ sàn nhận lệnh của nhà đầu tư và chuyển lệnh ra nước ngoài thông qua hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài của chủ sàn. Đối với hình thức giao dịch này, khi nhà đầu tư trong nước tính toán sai/ thua lỗ, mất ngoại tệ ra nước ngoài là không tránh khỏi, tạo thêm sức ép lên tỷ giá VND/USD.   
 
Ngoài ra, việc thực hiện giao dịch vàng tại các sàn giao dịch vàng của Việt Nam thời gian qua có thể có rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân do thông tin và cơ chế giao dịch không hoàn toàn minh bạch; chủ sàn vừa làm môi giới mua/ bán vàng, vừa trực tiếp kinh doanh vàng”.
 
Vì vậy, “tôi cho rằng, nếu cho sàn giao dịch vàng hoạt động trở lại, thì cần cơ chế quản lý rất chặt chẽ, nhất là không cho phép tổ chức/cá nhân sử dụng nguồn vốn huy động từ xã hội để kinh doanh đầu cơ”- bà Hương nói.
 
Những nỗ lực để ổn định thị trường
 
Sau cơn sốt tháng 11, thị trường dần ổn định trở lại. Dù giá vàng thế giới lập đỉnh tới 1.432 USD hôm 7/12 nhưng giá trong nước vẫn không tăng quá mức, chỉ ở quanh mức 36,5 triệu đồng. USD cũng dần hạ nhiệt trở lại, xuống sát 21.000 đồng trong những ngày cuối năm.
 
Cùng với sự biến động mạnh của giá vàng, năm 2010 cũng chứng kiến nhiều biện pháp mạnh tay can thiệp nhằm ổn định giá vàng từ các cơ quan chức năng.
 
Đầu tiên là Thông tư 22 siết hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng tại các ngân hàng thương mại, tiếp đó là liên tục cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng cho các đầu mối, can thiệp bình ổn tỷ giá USD, giảm thuế nhập khẩu vàng từ 1% về 0%, và tăng thuế xuất vàng từ 0% lên 10% kể từ tháng 1/2011.
 
Tuy nhiên, giá vàng thế giới vẫn đang tiếp tục biến động với những dự đoán cho rằng trong năm 2011 sẽ vẫn chịu tác động từ áp lực lạm phát, lo ngại đồng USD sụt giá và nó sẽ còn tăng giá trị.
 
Đêm 31/12, tại thị trường New York, trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2010, giá vàng thế giới đã vọt lên mức 1.419 USD/oz sau khi mở cửa ở mức 1.405 USD/oz tại phiên châu Á sáng cùng ngày.
 
Như vậy, trong năm 2010, vàng thế giới đã tăng tới 29%, ghi dấu vàng có một năm tăng mạnh nhất kể từ 2007 trở lại đây. Nguyên nhân vàng tăng vẫn là do đồng USD suy yếu và kinh tế toàn cầu vẫn chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng. Hầu hết các nhà buôn đều cho rằng trong năm 2011 này, vàng sẽ phá mốc 1.500 USD/oz. Darren Heathcote, chuyên gia từ Investec Australia tại Sydney cũng cho rằng rõ ràng vàng có một bức tranh sáng sủa trong năm tới. Nhu cầu đầu tư sẽ tác động mạnh vào giá vàng và giúp nó đi lên.
 
Tính đến hết năm 2010, giá vàng đã trải qua cả một thập kỷ tăng, từ 250USD/ounce cho đến mức kỷ lục 1.431USD/ounce. Nhiều quan sát viên cho rằng giá vàng lên xuống theo hình zig zag cũng chỉ để làm đà sửa soạn nhảy lên các kỷ lục mới do sự mất lòng tin vào tiền giấy của nhiều nước.
 
Khuynh hướng này được sự tán đồng của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Robert Zoellick khi mới đây ông đã có phát biểu trên tờ Financial Times (Anh) cho rằng: nên kết thúc việc lấy USD làm mỏ neo cho tiền tệ của các nước. Theo ông Robert Zoellick, việc áp dụng chế độ bản vị vàng sẽ góp phần trang bị lại nền kinh tế thế giới trong thời điểm căng thẳng tỷ giá và chính sách tiền tệ của Mỹ.
 
Đối với trong nước, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, trong thời gian tới, Nhà nước cần thực hiện các biện pháp đầy đủ, đồng bộ hơn để khắc phục tình trạng giá vàng biến động khó kiểm soát; để chống thất thoát ngoại tệ cho đất nước.
 
Tuy nhiên bà Hương cho rằng: “Dù biện pháp nào được đưa ra cũng nên dựa trên những quan điểm quản lý là: Tôn trọng tập quán, quyền lợi của người dân khi sử dụng vàng làm phương tiện cất trữ giá trị, nhưng tuyệt đối không khuyến khích người dân đầu tư vàng, đặc biệt cần chống doanh nghiệp và dân cư đầu cơ vàng; về kỹ thuật, cần có tiêu chuẩn/tiêu chí rõ ràng cụ thể phân biệt vàng là đồ trang sức, mỹ nghệ với vàng có tính chất tiền tệ, theo đó có cơ chế quản lý riêng biệt, chặt chẽ, thu hẹp phạm vi và quy mô giao dịch mua/bán đối với vàng có tính chất tiền tệ, ví dụ vàng miếng; tôn trọng quy luật thị trường trong điều tiết thị trường vàng, đồng thời vẫn cần sự quản lý của Nhà nước; có cơ chế linh hoạt để thị trường vàng trong nước liên thông được với thị trường vàng quốc tế; có cơ chế phù hợp để nguồn vốn tiết kiệm trong nước không bị điều chuyển vào hoạt động kinh doanh vàng; loại bỏ vàng khỏi chức năng thước đo giá trị, phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, không để thị trường vàng gây ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô”.