Hàng hóa tăng theo giá điện, giá xăng

07:41, 03/03/2011

 Những ngày gần đây, nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm đã bắt đầu tăng giá theo đà tăng của giá xăng và điện. 

 

Ngày 2/3, nhóm phóng viên có cuộc khảo sát ở một số chợ dân sinh và các siêu thị sau khi giá xăng dầu và đặc biệt là giá điện tăng từ ngày 1/3. Nhiều loại hàng hóa đã có biến động về giá. Nhìn chung, giá cả ở các chợ đều có sự tăng lên so với trước, gây khó khăn cho cả người bán lẫn người mua. Đời sống người dân ít nhiều bị ảnh hưởng trước sự biến động này.

 

Tại chợ đầu mối phía Nam: Các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, cá đều tăng. Điều này dẫn đến khung cảnh ế ẩm tại các chợ. Khách mua hàng dè dặt. Những người buôn cũng buồn vì hàng hóa tiêu thụ chậm, vì mọi mặt hàng đều tăng giá.

 

Chị Phạm Thúy Vân (bán gà) ở chợ đầu mối phía Nam, (phường Mai Động, quận Hoàng Mai. Hà Nội) cho biết: “Giá cả tăng theo từng ngày, mỗi ngày một giá. Mình cũng muốn bán rẻ cho khách người ta mua, nhưng đầu mua cao quá. Mọi ngày bán ở đây từ 2h – 7h sáng là đã hết rồi, hôm nay ngồi đến 11 giờ mà vẫn ế hàng”.

 

Chị Lan (khách hàng) cho hay: “Giá cả bây giờ tăng nhanh, vượt quá so với đồng lương của mình. Trong khi tận tháng 5 mới tăng lương thì giờ mọi thứ đều đã tăng. Cuộc sống của người lao động giờ càng thêm vất vả”.

 

Theo cô Quyến, tiểu thương ở chợ Phùng Khoang: Giá các loại cá tăng mạnh. Các loại cá rô phi, cá mè tăng 5000 – 7000 đồng/kg, riêng các loại quả, cá trắm đen tăng thêm 20.000 đồng/kg. Việc tăng giá làm cho lượng mua giảm xuống. Nếu bình thường với 30.000 đồng, người đi chợ có thể mua được 1kg cá, nhưng tại thời điểm hiện tại với số tiền đó chỉ mua được 0,7kg.

 

Tại chợ Phùng Khoang thịt bò tăng thêm 10.000 đồng/kg; thịt lợn tăng  10.000 đồng/kg. Các loại gạo cũng đồng loạt tăng giá từ 2000 – 3500 đồng/kg. Gạo Bắc Hương 17.000 đồng/kg; gạo tám Hải Hậu 17.500 đồng/kg; nếp hoa vàng 25.000 đồng/kg; Dầu ăn tăng 2.000 – 4.000 đồng/lít. Dầu ăn Simply có giá 46.000 đồng/lít; dầu ăn Tường An 42.000 đồng/lít; dầu ăn Neptune 44.000 đồng/lít.

 

Tại chợ Mai Động: Thịt lợn mông sấn: 80.000 đồng /kg. Tăng từ 5.000 -10.000 đồng; thịt bò: mông 180.000 đồng/kg; bò bắp 170.000 đồng/kg; Cá trắm: 70.000/kg. Giá rau, đậu, củ quả tăng khoảng 3 – 10%.

 

Chị Dương Thị Tâm (bán thịt lợn ở chợ Mai Động) tâm sự: “Vì các lò giết mổ ở ngoại thành, xăng dầu tăng nên giá thịt cũng bị đẩy lên cao do cước vận chuyển tăng. Trước tôi bán được 1 con/ngày, giờ chỉ bán được nửa con”.

 

Tại một số chợ khác như chợ Mơ, chợ Đồng Tâm, chợ Kim Liên, Hà Nội các mặt hàng cũng tăng giá chênh lệch từ 5.000 - 10.000đ tùy theo loại mặt hàng.

 

Trái ngược với việc tăng giá ở các chợ dân sinh trong hệ thống các siêu thị hàng hóa vẫn ổn định như những ngày trước tết.

 

Hệ thống Intemex, Hapro, Cop.mart thì giá cả hầu như chưa tăng giá. Hàng bình ổn giá bán trong các siêu thị vẫn được bán đúng giá như trước Tết nguyên đán.

 

Khảo sát giá ở siêu thị Intemex Lạc Trung quận Hai Bà Trưng (Hà Nội): thịt bò thăn túi 200g có giá 36.500 đồng; thịt chân giò túi 350g có giá 30.500 đồng; thịt lợn thăn túi 300g có giá 32.800 đồng; gạo tám soan Hải Hậu có giá 16.100 đồng/kg; gạo tám Xuân Đài 16.600 đồng/kg; gạo Bắc Hương có giá 15.200 đồng/kg… 9 mặt hàng bình ổn vẫn được giữ giá. Nhiều mặt hàng khác kể cả hàng hóa nhập khẩu cũng chưa tăng giá.

 

Trao đổi với chúng tôi, Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc - quản lý siêu thị Intemex Lạc Trung cho biết: “Chúng tôi vẫn giữ giá bán những mặt hàng bình ổn giá đúng cam kết với sở công thương thành phố. Để người dân không bị ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống”.

 

Các siêu thị bán hàng bình ổn giá do có sự chuẩn bị từ trước, lượng hàng hóa không bị thiếu, nên đủ để phục vụ nhu cầu của nhân dân sau Tết mà không bị tác động của thị trường. Chị Ngọc cho biết thêm, siêu thị chỉ tăng giá khi nhà cung cấp đòi tăng giá. Còn siêu thị không thể tự ý nâng giá.

 

Chị Tô Thúy Anh ở 14 Yên Ninh – Hà Nội đang mua hàng trong siêu thị Intemex tâm sự: “Tôi thấy mấy ngày hôm nay ngoài chợ giá cả thị trường nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm đã tăng, những khi mua hàng ở siêu thị thì giá vẫn chưa tăng. Khi mua hàng ở siêu thị tôi cũng thấy yên tâm hơn”.

 

Giải thích về sự tăng giá các mặt hàng trong siêu thị Unimart, chị Phạm Thanh Loan - cán bộ phòng thu mua của siêu thị cho biết: Hiện nay các mặt hàng trong siêu thị tăng do giá đồng USD và Nhân Dân Tệ đang tăng cao nên hàng hóa nhập về có giá cao, cộng với cước vận chuyển cũng tăng ở thời điểm này”.

 

Trước thực trạng tăng giá hiện nay các ngành chức năng như quản lý thị trường cần có những giải pháp ngăn chặn các tiểu thương tự ý nâng giá các mặt hàng, hiện tượng găm hàng, gia lận trong kinh doanh…để hàng hóa luôn đảm bảo chất lượng và đến tay người tiêu dùng đúng giá thực của mỗi loại sản phẩm./.