Có thể xử lý hình sự hành vi tung tin thất thiệt, tăng giảm giá bất hợp lý

15:54, 30/04/2011

Những ngày gần đây, tin đồn về việc giá xăng sẽ điều chỉnh tăng thêm 2.700 đồng/lít, lên 24.000 đồng/lít đã gây tác động tiêu cực đến tâm lý của một bộ phận người dân. Trong bối cảnh giá cả hàng hóa, dịch vụ đang có nhiều biến động, những tin đồn thất thiệt đã gây áp lực cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý giá.

 

Tại dự thảo Luật Giá vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện, hành vi bịa đặt, tung tin thất thiệt về việc tăng, giảm giá và làm cho giá hàng hóa, dịch vụ biến động bất hợp lý là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

 

Thông tin xăng sẽ tăng giá thêm 2.700 đồng/lít đã được nhiều người dân truyền tai nhau những ngày vừa qua. Trong bối cảnh Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2011 tăng gần 10%, tin đồn giá xăng sẽ tăng mạnh đã khiến không ít người lo lắng. Tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng người dân mua xăng tích trữ do lo ngại giá sẽ tiếp tục tăng mạnh. Điều này khiến tại một số điểm bán lẻ diễn ra tình trạng người dân xếp hàng mua xăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) cung ứng và cơ quan quản lý. Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại các DN chưa có bất kỳ phương án tăng giá nào trình Bộ Tài chính. Đại diện một DN xăng dầu cho rằng, tin đồn thất thiệt về việc tăng giá xăng có thể xuất phát từ phán đoán của người dân dựa vào tình hình giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng cao. Căn cứ vào Nghị định 84NĐ/CP, trong vòng 30 ngày, nếu giá xăng dầu trên thị trường thế giới có biến động, ngành chức năng mới tính đến phương án điều chỉnh giá bán lẻ trong nước.

 

Nhằm sửa đổi Pháp lệnh Giá đang tồn tại nhiều bất cập, Cục Quản lý giá đang xin ý kiến các tổ chức, DN và người dân nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Giá. Dự thảo luật được xây dựng với 6 chương, 64 điều, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý. Theo dự thảo Luật Giá, trách nhiệm cao nhất mà DN phải thực hiện là chấp hành quy định pháp luật về quản lý giá, đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; giải quyết kịp thời mọi khiếu nại của người tiêu dùng về giá hàng hóa, dịch vụ mà mình bán (hoặc mua) không đúng giá đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết.

 

Dự thảo cũng quy định những hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, gồm liên minh với các tổ chức, cá nhân khác để tác động làm sai lệch giá so với giá thị trường; lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường ấn định mức giá bán (hoặc mua) bất hợp lý gây tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Lợi dụng những biến động bất thường xảy ra (thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác), lợi dụng chủ trương điều hành kinh tế, tài chính, tiền tệ, giá cả của Nhà nước để đầu cơ găm giữ hàng hóa, dịch vụ tăng giá, ép giá... Đặc biệt, hành vi bịa đặt, tung tin thất thiệt không có căn cứ về việc tăng hoặc giảm giá và làm cho giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm giá quá thấp bất hợp lý cũng bị nghiêm cấm theo dự thảo Luật Giá.

 

Dự thảo cũng nêu rõ, tổ chức cá nhân vi phạm Luật Giá sẽ buộc phải cải chính những thông tin sai lệch, không đúng sự thật. Đặc biệt, cá nhân vi phạm Luật Giá sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự nếu hành vi đó cấu thành tội phạm. Ngoài việc xử lý những sai phạm theo quy định của pháp luật, thông tin về những tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Giá sẽ bị đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính và tổ chức nghề nghiệp thẩm định giá Việt Nam hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác để người dân được biết…

 

Trong bối cảnh giá thị trường có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, việc hoàn thiện dự thảo Luật Giá với những điều khoản chi tiết nhằm xử phạt nghiêm những sai phạm trong thực thi và quản lý giá hết sức quan trọng. Nếu Luật Giá được xây dựng cụ thể, chi tiết, với những chế tài xử lý đủ mạnh, những sai phạm trong lĩnh vực giá sẽ giảm, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý giá và giảm thiệt hại cho người tiêu dùng.