Thị trường chứng khoán chưa thoát khỏi cảnh ảm đạm, vàng miếng không còn hấp dẫn giới đầu tư… kênh gửi tiết kiệm VND đang được giới đầu tư "nhắm" tới…
Nhiều tháng nay, không khí ảm đạm diễn ra trên cả 2 sàn chứng khoán. Biên độ tăng, giảm nhỏ khiến kênh này mất đi tính hấp dẫn. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội không tiến nổi đến ngưỡng 100 điểm mà chỉ quanh quẩn mốc 90 điểm. Trên sàn thành phố Hồ Chí Minh, VN-Index "tụt" dốc xuống dưới 460 điểm. Chốt phiên ngày 19-4, HNX-Index đóng cửa ở 86,16 điểm, VN-Index đạt 453,74 điểm. Tính thanh khoản liên tục ở mức thấp khi nhiều nhà đầu tư không muốn đặt lệnh mua - bán cổ phiếu. Sự chán nản của giới đầu tư khiến khối lượng giao dịch của cả thị trường thường xuyên thấp, chỉ đạt hơn 44 triệu đơn vị (ngày 19-4), tương đương giá trị hơn 750 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư không đủ kiên nhẫn, bán tháo hết cổ phiếu để chạy khỏi thị trường, tìm đến kênh đầu tư khác.
Kênh đầu tư vàng hay ngoại tệ hiện cũng không còn được coi là "sốt" như trước. Nếu trước đây, nhiều người cứ để dành được tiền là nghĩ đến chuyện mua vàng hoặc USD tích trữ vì nhiều nỗi lo như lạm phát có nguy cơ tăng cao, tiền VND mất giá... thì nay đã khác. Sự can thiệp kịp thời của ngành chức năng nhằm bình ổn thị trường ngoại hối, như xử lý mạnh tay với thị trường "chợ đen", đã giúp thị trường hoạt động lành mạnh hơn. Mức "chênh" giữa giá USD trên thị trường "chợ đen" và ngân hàng thương mại đã được kéo gần lại, có lúc giá USD ở "chợ đen" thấp hơn giá ngân hàng. Giá USD đã ổn định ở dưới mức 21.000 VND/USD, giao dịch phổ biến với giá 20.940-20.950 VND/USD. Giá vàng cũng ít biến động do nhà đầu tư không mặn mà với vàng.
Chiều 19-4, giá vàng đạt 37,20 triệu đồng/lượng (mua vào)-37,31 triệu đồng/lượng (bán ra), trong khi giá thế giới đã "leo" sát ngưỡng 1.500 USD/ounce, giao dịch ở mức 1.494 USD/ounce (tại thời điểm 15h theo giờ Việt
Như vậy, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định (có hiệu lực từ ngày 13-4) về mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng là 3%/năm, gửi tiết kiệm VND được nhà đầu tư ưu tiên hơn. Tại nhiều ngân hàng, lãi suất 3%/năm được áp dụng cho các kỳ hạn gửi với USD (ngoại trừ kỳ hạn qua đêm và tuần). Vietcombank áp dụng lãi suất huy động 3%/năm cho kỳ hạn 1 đến 60 tháng; ACB có lãi suất tiết kiệm thông thường 2,95%/năm cho các kỳ hạn dưới 1 năm; kỳ hạn 13, 24, 36 tháng: 3%/năm. Eximbank niêm yết lãi suất thông thường 2,9%/năm, mức 3%/năm chỉ áp dụng cho các kỳ hạn của sản phẩm "Tiết kiệm chọn kỳ lĩnh lãi" - kỳ hạn 36 tháng...
Trong khi đó, lãi suất huy động VND được áp dụng phổ biến ở mức 14%/năm cho nhiều kỳ hạn, nên nhiều người đã không ngần ngại chuyển gửi tiết kiệm từ USD sang VND để được hưởng lãi. Thử tính một bài toán đơn giản, nếu gửi 50 triệu đồng, kỳ hạn 3 tháng, với lãi suất tối đa 14%/năm, người gửi tiền có thể nhận được gần 1,8 triệu đồng tiền lãi. Song, nếu gửi 2.500 USD (tương đương 50 triệu đồng), sau 3 tháng chỉ được 18,75USD (khoảng 375.000 đồng).
Như vậy, kênh gửi tiết kiệm VND đã thu hút nhà đầu tư. Cũng không phải ngẫu nhiên mà người ta lại chọn kênh này, vì gửi tiết kiệm có tính an toàn cao, người gửi không phải "lao tâm, khổ tứ" mà vẫn có lãi.