Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm nay triển khai từ ngày 15-4 đến 15-5, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vận chuyển thực phẩm trên địa bàn, nhất là các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, ở nhiều chợ nội thành, các chất phụ gia và gia vị không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán tràn lan và bất cứ người nào cũng có thể mua được một cách dễ dàng.
10h sáng 19-4, chúng tôi tìm đến chợ Hà Đông, một trong những chợ đầu mối chuyên cung cấp các loại gia vị thực phẩm. Dừng chân tại một sạp hàng khô ngay cạnh lối lên cầu thang tầng 2, hỏi mua gia vị về nấu lẩu, phở, chị chủ hàng lập tức hỏi lại: "Mua về ăn hay bán hàng?". Sau khi biết khách muốn chọn loại ngon, thơm và càng rẻ càng tốt, chủ hàng lấy ra một bịch lớn, bao bì màu đỏ, in toàn chữ Trung Quốc, rồi hào hứng: "Đây là gia vị lẩu Tứ Xuyên, cay, thơm, màu đỏ rất đẹp. Loại này trước đây bán rất chạy, giờ thì ít nơi có bán. Bán lẻ 800 đồng/gói 15g, lấy cả lô thì 6.500 đồng/10 gói".
Khi chúng tôi hỏi đây có phải loại gia vị lẩu có chất gây ung thư, đang bị cơ quan chức năng kiểm tra thu hồi, chủ hàng lập tức đánh trống lảng: "Còn đây là các gia vị nấu phở, phở bò, gà có cả. Loại này rẻ nơn nữa, chỉ 500 đồng/gói. Hàng phở nào cũng mua, một nồi nước cho vào hai gói thì ngọt lừ, thơm lừng, hơn cả mấy cân xương ninh ấy chứ". Cả hai loại gia vị phở chủ hàng giới thiệu đều được gói trong túi ni lông trắng sơ sài, có tiếng Việt, in hình lòe loẹt, không có nơi sản xuất, hạn sử dụng 6 tháng, nhưng không biết sản xuất ngày nào và thành phần nghe rất "kêu": hỗn hợp đạm động thực vật, cốt xương, gia vị các loại. Mỗi gói nhỏ không ghi rõ trọng lượng, áng chừng khoảng 10g, có thể hòa trong 2 lít nước dùng cho 8 tô phở, chỉ có giá 500 đồng, quả thật không hiểu chúng được làm bằng những gì mà rẻ và hiệu quả thế?
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết những gia vị loại này được bán bằng bao tải trọng lượng hàng chục kilôgam, xuất xứ từ Trung Quốc, một số cơ sở tư nhân mua về đóng gói "chui", tự in nhãn hiệu rồi phân phối cho các đại lý nên mới có giá "bèo" như vậy.
Tại một sạp hàng khô khác, chúng tôi hoa mắt trước cả đống chai lọ đựng các loại tinh dầu hương vị cam, dâu, táo, cốm… dùng để chế biến nước giải khát. Với tiêu chí rẻ và thơm, chúng tôi được giới thiệu một loại si-rô vị dâu với giá 15.000 đồng một chai nửa lít "ba không": không xuất xứ, không thành phần và không thời hạn sử dụng. Cạnh đó là một gói bột màu trắng, bao bì in toàn tiếng Trung Quốc dùng để làm thạch rau câu, nhưng "rẻ hơn gấp 5 lần loại bình thường". Một gói bột này giá 35.000 đồng gồm 5 gói nhỏ, mỗi gói 100g, về pha chế với 2 lít nước sẽ được 2kg thạch thành phẩm.
Trong khi đó, một sản phẩm cùng loại sản xuất tại Việt Nam cũng đã có giá 35.000 đồng một gói 100g, chưa kể sản phẩm "ngoại nhập" kia giòn hơn, dai hơn và để được lâu hơn. Muốn sản phẩm có các màu bắt mắt, thì mua phẩm màu giá 20.000 đồng/lạng, chỉ cần mua nửa lạng có thể dùng được cả năm. Phẩm màu được đựng trong bao bì trắng, loằng ngoằng chữ in mập mờ không rõ của nước nào, khách mua bao nhiêu bán bấy nhiêu. Khi được hỏi phẩm màu có độc hại cho sức khỏe không, chủ hàng thản nhiên đáp: "Chị bán cả chục năm nay, có thấy ai kêu ca gì đâu". Ngoài phụ gia và nguyên liệu, quầy hàng này còn bán luôn cả sản phẩm thạch rau câu đựng trong hộp nhựa in toàn chữ Trung Quốc, màu sắc sặc sỡ, giá rất rẻ và không có hạn sử dụng. Chủ quầy hàng thừa nhận, chắc chắn là có chất bảo quản nên mới để được cả năm như vậy. Chị cũng cho biết thêm, các chủ hàng chè, nước giải khát rất chuộng loại sản phẩm làm sẵn…
Những gói gia vị không rõ nguồn gốc mua được tại các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Dạo một vòng qua các chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa), chợ Nhân Hòa (Thanh Xuân), chúng tôi thấy các sản phẩm trên đều được bày bán công khai và giá có đắt hơn đôi chút so với chợ Hà Đông. Tại một sạp hàng ở phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, ông chủ hàng còn đưa ra một loại gia vị nấu lẩu viên, một hộp 4 viên giá chỉ 5.000 đồng, màu vàng, mùi rất hắc, ngoài chữ Lẩu Thái còn in một lô chữ Trung Quốc. Cũng tại đây la liệt các loại bột mỳ, bột trân châu, bột năng không rõ nguồn gốc, đóng trong các túi ni lông trắng, không nhãn mác...
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: Bảo đảm VSATTP là công việc phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều lực lượng chức năng, nòng cốt là ngành y tế, công thương và chính quyền các địa phương. Việc kiểm tra, xử lý những mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán ở các chợ thuộc trách nhiệm của ban quản lý chợ; tại các hàng quán nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn... Về nguyên tắc, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác theo quy định không được phép lưu thông trên thị trường, buộc phải thu hồi để tiêu hủy. Các cơ sở buôn bán, sử dụng loại gia vị đó sẽ bị xử phạt vì vi phạm các quy định về VSATTP theo Điều 15, Nghị định 45/NĐ-CP ngày 6-4-2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Tình trạng gia vị, thực phẩm không rõ nguồn gốc đang xuất hiện tràn lan, công khai ở nhiều chợ khu vực nội thành, nhất là trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn, lo ngại. Điều đó cho thấy công tác phối hợp để kiểm tra, xử lý thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ của các ngành chức năng chưa hiệu quả, năng lực quản lý của các cơ quan có trách nhiệm về VSATTP còn yếu kém...