Bộ Công Thương sáng qua (18/5) công bố bắt đầu triển khai thị trường điện cạnh tranh từ 1/7 theo kế hoạch Chính phủ đã duyệt, tuy nhiên chưa có thông điệp nào cho thấy giá bán lẻ sẽ tăng.
Theo công bố của Bộ Công Thương, thị trường điện cạnh tranh sẽ được vận hành qua 2 giai đoạn - thử nghiệm và chính thức. Trong đó, giai đoạn vận hành thí điểm được thực hiện bắt đầu từ 1/7/2011. Giai đoạn chính thức được thực hiện từ năm 2012 đến hết 2014.
Như vậy, việc thí điểm thị trường điện cạnh tranh chậm hơn kế hoạch được Chính phủ phê duyệt một tháng (từ 1/6). Trong giai đoạn này, ngành điện sẽ dành 2 tháng đầu tiên để thí điểm thị trường ảo. Khi đó, giá điện sẽ vận hành theo cơ chế thị trường dưới dạng sổ sách giấy tờ. 4-5 tháng tiếp theo sẽ thực hiện việc thí điểm toàn phần. Nghĩa là giá bán điện bắt đầu được vận hành theo cơ chế thị trường, có lên, có xuống, tùy theo chi phí đầu vào.
Theo Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công Thương, hiện nay cơ chế bán điện đang bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại như giá bán không phản ánh kịp thời chi phí. Giá bán lẻ bình quân cũng thấp hơn thực tế tới 5,9 cent cho mỗi kWh. Giá thấp và phải bù lỗ nên không thu hút được các nhà đầu tư trong lĩnh vực phát điện, việc thu hồi chi ở các khâu truyền tải và phân phối cũng gặp khó khăn...
Do vậy, khi giá điện vận hành theo cơ chế thị trường, 4 khâu cơ bản như phát điện, truyền tải, dịch vụ phụ trợ và phân phối bán lẻ sẽ được tách ra độc lập. Giá điện theo đó sẽ được điều chỉnh dựa theo biến động của các thông số đầu vào như tỷ giá, giá nhiên liệu và cơ cấu sản lượng điện phát. Cách tính giá vẫn theo bậc thang, 50 kWh đầu tiên được hỗ trợ, tương đương với khoảng 30.000 đồng mỗi tháng, áp dụng cho các hộ nghèo. Và cũng giống như mặt hàng xăng dầu, quỹ bình ổn giá điện cũng hình thành cho phép ngành điện được sử dụng để điều tiết giá bán...
Trao đổi với báo chí tại buổi hội nghị triển khai thị trường điện cạnh tranh sáng 18/5, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực VN (EVN) - Đào Văn Hưng cho biết trong tháng 6 hãng mới tiến hành thử nghiệm giá điện cạnh tranh trong nội bộ ngành. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện sẽ tiến hành triển khai rộng rãi trên phạm vi 3 miền Bắc - Trung -
Theo ông, "thả" giá điện theo cơ chế thị trường được coi là bước đầu để EVN tính đúng, tính đủ giá bán theo chi phí đầu vào để tránh lỗ. Tuy nhiên, lãnh đạo EVN từ chối trả lời về khả năng giá điện sẽ tăng khi quá trình thử nghiệm cơ chế mới được áp dụng, bắt đầu từ 1/7. Chủ tịch Hội đồng Quản trị EVN - Đào Văn Hưng chỉ nhấn mạnh: Tất cả các đơn vị của EVN đã sẵn sàng cho cơ chế điện cạnh tranh.
Theo lộ trình thị trường điện cạnh tranh được Chính phủ phê duyệt, khoảng cách giữa 2 lần điều chỉnh giá bán tối đa là 3 tháng. Trong đó, hàng tháng, EVN sẽ theo dõi sự biến động của chi phí đầu vào để xây dựng giá bán điện. Khi giá cơ sở giảm 5% so với giá bán hiện hành, EVN điều chỉnh giảm xuống mức tương đương và báo cáo cho Liên bộ Tài chính - Công Thương biết. Ngược lại, khi chi phí đầu vào tăng 5%, EVN cũng được phép đề xuất với Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương phương án tăng giá tương ứng.
Đối với trường hợp chi phí đầu vào làm tăng giá bán điện trên 5%, EVN cần xây dựng phương án giá để báo cáo Bộ Công Thương. Trên cơ sở thẩm định của Bộ Tài chính, Chính phủ sẽ ra quyết định cuối cùng về thời điểm và các mức tăng giá.