Ngành điện cho rằng đang lỗ nặng, cần tăng giá mới thu hút được vốn đầu tư, song theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: mức tăng và thời điểm áp dụng cần phù hợp để tránh sốc cho nền kinh tế.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 30/6, người đứng đầu ngành tài chính cho hay với giá bán điện hiện nay, EVN đang lỗ rất lớn. Nếu không điều chỉnh giá, ngành điện rất khó thu hút được vốn đầu tư.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nếu tính đúng, tính đủ, điện sẽ tăng giá rất mạnh và gây áp lực lớn đến lạm phát. Do đó, việc điều chỉnh giá cần được thực hiện theo lộ trình. Thậm chí, kế hoạch "thả" giá điện theo cơ chế thị trường không thể thực hiện sớm theo kế hoạch mà có thể sẽ phải lùi tới năm 2013.
Ý kiến của người đứng đầu ngành tài chính đưa ra trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay một lần nữa khẳng định rằng: Việc tăng giá điện là khó tránh khỏi. Vấn đề là thời điểm nào áp dụng và mức tăng là bao nhiêu.
Trên thực tế, từ tháng 4 đến nay, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) liên tục "nói gần nói xa" chuyện sẽ phải điều chỉnh giá bán điện lần 2 do khó khăn về tài chính. Thậm chí, trong hầu hết các cuộc giao ban trực tuyến của ngành Công Thương, lãnh đạo EVN cũng không ngớt kêu khó và đề cập đến việc tăng giá bán. Tuy nhiên, do điện là mặt hàng nhạy cảm tác động đến đại bộ phận dân chúng nên EVN chỉ dừng ở chỗ than thở chứ chưa công khai mức điều chỉnh không dám đưa ra con số hay thời điểm tăng giá đợt 2. Dù rằng, ngày 1/3, giá điện đã một lần điều chỉnh với mức tăng bình quân 15,28%.
Một nguồn tin của EVN nói rằng kinh doanh điện đang lỗ rất lớn, nếu không điều chỉnh giá lần 2, số lỗ lũy kế tính đến hết năm 2011 có thể lên tới 40.000 tỷ đồng. Quyết định 24 của Chính phủ ban hành hồi tháng 2 đã ít nhiều trao quyền tự quyết cho EVN. Nếu chiếu theo các quy định tối thiểu 3 tháng, giá điện được điều chỉnh một lần với mức không quá 5% thì từ nay đến hết năm EVN có thể được tăng giá tới 2 lần. Và nếu EVN được phép làm điều này thì số lỗ sẽ giảm được trên 3.000 tỷ đồng...
Tại thời điểm công bố giá bán mới 1/3, Bộ Tài chính cho rằng mức tăng 15,28% này vẫn chưa đủ bù đắp chi phí. Điều này đồng nghĩa với việc EVN đang chịu lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng, bởi nếu tính đúng tính đủ, giá điện phải tăng tới 62%.
Bộ Tài chính cho rằng nếu không có đợt tăng giá ngày 1/3 thì ngành điện sẽ lỗ thêm 29.500 tỷ đồng nâng tổng số lỗ của các năm lên 57.417 tỷ đồng.
EVN cũng đang là con nợ của một số đối tác lớn như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (Petrovietnam), Tập đoàn Than khoáng sản VN (Vinacomin) với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Trong một văn bản gửi cơ quan chức năng hồi đầu tuần trước, Petrovietnam cho biết thời gian qua, EVN thường xuyên chậm thanh toán tiền điện cho Công ty PV Power - đơn vị con của Petrovietnam. Tính đến đầu tháng 6, số tiền mà đơn vị thuộc EVN nợ quá hạn PV Power lên đến hơn 6.400 tỷ đồng. Khoản nợ này chưa bao gồm 895 tỷ đồng chi phí vận hành và quản lý của Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2.
Trước đó, một chủ nợ khác là Điện lực Hiệp Phước còn ra "tối hậu thư" nếu EVN không thanh toán khoản nợ 36 triệu đôla Mỹ, tương đương với 756 tỷ đồng, công ty này sẽ ngừng cung cấp điện.