Cục Quản lý giá đưa ra hai nguyên tắc điều chỉnh mà căn cứ vào đó, xem ra giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ khó giảm trong năm nay.
Giá xăng dầu thế giới giảm, vì sao trong nước không giảm? Câu hỏi này trở thành thường trực trên báo chí. Sau hai đợt tăng mạnh và đồng loạt giá bán sản phẩm xăng dầu vào các ngày 24/2 và 29/3, đến nay mức giá của các doanh nghiệp cung ứng vẫn án binh bất động.
Giá xăng dầu thế giới giảm, vì sao trong nước không giảm? Câu hỏi này trở thành thường trực trên báo chí, các diễn đàn kể từ giữa tháng 6 trở lại đây, đi cùng diễn biến hàng ngày của giá xăng dầu thế giới.
Bản tin thị trường xăng dầu số 32 ngày 4/7 của Petrolimex thừa nhận, giá trung bình tháng 6/2011 so với tháng trước đó đã giảm ở hầu hết các mặt hàng xăng dầu thành phẩm. Cụ thể, xăng RON 92 giảm 6,63%; dầu hỏa giảm 0,68%; dầu diezel 0,05S giảm 0,4%. Chỉ riêng dầu mazut tăng 1,49%.
Cũng cần lưu ý thêm là thuế suất thuế nhập khẩu dầu hỏa và diezel đã được điều chỉnh từ 0% lên mức 5% từ đầu tháng 6, trong khi thuế suất thuế nhập khẩu xăng vẫn giữ nguyên mức 0%.
Báo cáo tình hình giá cả thị trường tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2011 của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phát đi hôm 5/7 cũng có những thông tin đáng chú ý, liên quan đến cách ứng xử với giá xăng dầu của cơ quan này.
Thừa nhận nếu tính bình quân 29 ngày đầu tháng 6/2011, giá xăng dầu thành phẩm (trừ dầu mazut) đã giảm so với bình quân tháng 5, tuy nhiên, Cục Quản lý giá đưa ra hai nguyên tắc điều chỉnh mà căn cứ vào đó, xem ra giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ khó giảm trong năm nay.
Dẫn lại kết quả điều tra do hãng tin Reuters tiến hành ở 31 nhà phân tích và thương gia có uy tín trên thế giới, với nhận định giá dầu WTI trong 6 tháng cuối năm 2011 sẽ dao động quanh ngưỡng 100 USD/thùng và trung bình năm 2011 sẽ dao động như quý 2/2011, cơ quan này cho rằng để bình ổn giá bán xăng dầu trong nước trong khi giá xăng dầu thế giới còn có những diễn biến phức tạp, khó lường, thì “sẽ ưu tiên khôi phục mức thuế nhập khẩu hoặc tăng mức trích quỹ bình ổn giá”.
Trong khi đó, đối chiếu với khung thuế suất cơ bản thuế nhập khẩu xăng dầu tương ứng với giá dầu thế giới được Bộ Tài chính ban hành đầu năm ngoái, mức thuế tối đa đối với xăng, dầu hỏa, nhiên liệu bay có thể lên đến 30%; với dầu diezel, mazut có thể tới 25%.
Chưa kể, các nội dung khác trong giá cơ sở như mức trích quỹ bình ổn 100 đồng/lít xăng RON 92, lợi nhuận định mức đang bị gỡ bỏ trong khi quy định là 300 đồng/lít xăng RON 92, hoàn toàn có thể được tính toán lại nếu giá xăng dầu hạ tiếp.
Kịch bản mong chờ là Cục Quản lý giá sẽ đưa ra chủ trường giảm giá xăng dầu. Nhưng cơ quan này cho rằng chỉ làm được như vậy khi hai nguyên tắc nêu ở trên được thực hiện. Cục cũng lưu ý thêm là “nếu có điều kiện”, nhưng rất tiếc định lượng điều kiện gì lại không được nhắc đến trong báo cáo.
Tham khảo các nguồn tin khác, theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê, giá nhập khẩu bình quân xăng dầu các loại tháng 6 so với tháng 5 giảm khoảng 6,15%. Trong khi đó, cũng cơ quan này công bố chỉ số giá USD tháng 6 so với tháng 5 giảm 0,78%. Như vậy, nhập khẩu xăng dầu đang được lợi kép từ việc giá nhập khẩu giảm và tiền đồng lên giá so với USD.
Trở lại với bản tin của Petrolimex, viện dẫn thêm về giá xăng RON 92, doanh nghiệp này cho rằng giá bán tại Việt Nam đang thấp hơn Lào 5.225 đồng/lít, thấp hơn Campuchia 4.095 đồng/lít, thấp hơn Singapore 12.161 đồng/lít và thấp hơn Trung Quốc 4.048 đồng/lít, tính theo tỷ giá quy đổi ngày 27/6.
Nhưng, một số chuyên gia phản bác lại, sở dĩ việc giá bán tại Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực chủ yếu do mức thuế suất áp dụng. Trong khi các nước kể trên có thuế suất đến 30-35%, Việt Nam áp thuế rất thấp với các sản phẩm xăng, dầu.
Theo tính toán của Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê) Hà Quang Tuyến, với việc hai lần tăng giá xăng dầu và tăng giá điện hồi đầu năm nay, sau 3-6 tháng CPI tăng khoảng trên dưới 4%.