Nhộn nhịp mua hàng chống rét

09:56, 10/01/2012

Trong những ngày gần Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, hàng hóa được bày bán khắp nơi, trong đó các quầy bán áo phao thu hút rất nhiều người đến mua.

Dọc con đường từ ngã tư Tỉnh ủy lên đến chợ Trung tâm có khá nhiều quầy hàng bán áo phao (chủ yếu vẫn là áo phao nữ, hàng được sản xuất từ Trung Quốc). Giá cả cũng không đến nỗi đắt: chỉ cần 400 đến 500 nghìn đồng là có thể mua được một chiếc áo phao ấm. Nếu ai nhiều tiền thì cũng có đủ các mặt hàng dể đáp ứng với giá từ 1 triệu đến vài triệu đồng/ chiếc áo phao chất liệu đẹp; áo dạ bình quân cũng 500 đến 800 nghìn đồng/chiếc, tùy theo chất liệu của vải. Chỉ cách đây hơn một tuần, khi thời tiết còn ấm áp, thì ai cũng “thờ ơ” với những chiếc áo phao trên. Thế mà từ khi thời tiết chuyển sang rét đậm, hàng áo  phao mọc lên khắp nơi. Hai hôm nay, ngày nghỉ, lại chẳng còn mấy ngày nữa là đến Tết, các bà, các cô đều nhanh chóng đi chợ tìm cho mình những chiếc áo ấm và vừa ý.

 

Trong chợ Thái, tất cả các quầy hàng từ quầy bán quần áo, giày dép, đến bánh, mứt, kẹo, rượu; đồ gia dụng, hàng khô… chỗ nào cũng đang hối hả tập kết đầy ắp hàng hóa để phục vụ trong những ngày gần tết. Tuy nhiên, qua quan sát tại các ngành hàng, chúng tôi thấy, chỉ những quầy hàng bán quần áo nữ và trẻ em may sẵn, hàng bán giày dép; bán đồ gia dụng (ấm chén, bát, đĩa, hộp đựng bánh, mứt kẹo) , hàng khô là luôn tấp nập người mua, kẻ bán. Còn ế ẩm nhất vấn là nơi bán các mặt hàng đồ điện, quần áo nam. Có nhiều quầy hàng bán quần áo nam còn đề biển “ bán hàng giảm giá”, hoặc hàng “thanh lý quần áo nam”. Có lẽ do thu nhập của người dân khó khăn nên họ đều tính đến việc chỉ mua sắm những mặt hàng thiết yếu; hạn chế mua những mặt hàng chưa cần thiết. Đây cũng là lý do, những năm trước các mặt hàng máy sưởi, túi sưởi bán chạy là thế nay cũng ở mức độ bình thường.

 

Chị Nguyễn Thị Lan, một chủ cửa hàng bán quần áo may sẵn cho biết: So với mọi năm thì tốc độ mua sắm của người dân năm nay khá chững. Hoạt động mua sắm cho Tết Nguyên đán cũng mới chỉ khởi động từ hai hôm nay, một mặt do có Hội chợ mở cửa nên cũng thu hút người dân đi mua sắm và dạo chợ đông hơn; mặt khác cũng khỉ còn hơn hai tuần nữa là tết nên mọi người cũng có tâm lý cần đi mua sắm dần kẻo gần tết hết hàng hoặc không còn đồ đẹp để chọn. Chị Nguyễn Phương Thảo, chủ một quầy bán quần áo khác cho biết thêm: Hàng hóa năm nay được các quầy hàng tập kết khá nhiều nhưng lượng người mua sắm không đông. Chị Đào Minh Hạnh, một người đi mua hàng cho biết: Tôi thấy, giá cả hàng hóa năm nay không đắt so với năm trước là bao nhưng do thu nhập eo hẹp nên cũng phải tính toán kỹ.

 

Dạo một số quầy bán hàng tết, điều mà chúng tôi ghi nhận được là: Mặc dù thời tiết rét, nhu cầu mua quần áo, khăn, tất, giầy dép tăng hơn so với mọi khi song không có tình trạng tăng giá hoặc “nói thách” quá cao để ép khách hàng. Tôi được chứng kiến ở 4 quầy hàng khác nhau (trong chợ Thái và dọc con đường chạy qua Nhà Thờ), áo phao có chất liệu giống nhau đều được nói đúng giá, chỉ chênh lệch nhau không đáng kể, giá bán từ 450 đến 500 nghìn đồng/chiếc; quần bò giá từ 230 nghìn đến 260 nghìn đồng/chiếc. Điều làm tôi ngạc nhiên là rất nhiều người trước đây không dám vào chợ Thái để  mua hàng vì nhiều chủ hàng ở đây thường nói thách rất cao và bán cũng rất đắt, đôi khi có hành động bắt chẹt khách… thì nay  thay đã đổi hẳn. Trong chợ có rất nhiều quầy hàng treo biển với hàng chữ in ngay ngắn ở giữa quầy hoặc trước quầy: “Hàng bán đúng giá; được đổi lại” hoặc “ Cửa hàng bán đúng giá quý khách không mặc cả”…

 

Hơn bao giờ hết, trong kinh doanh các chủ cửa hàng đều đã thấm thía: cần phải phải lấy chữ “tín” và chữ “tâm” làm đầu, nếu không tự mình sẽ đào thải mình. Tuy nhiên hàng hóa có nhiều chủng loại, mẫu mã, chất liệu khác nhau nên rất dễ bị người bán hàng lợi dụng để gian lận thương mại. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại để bảo vệ người tiêu dùng.