Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước khẳng định điều này và còn cho biết, có thể trong năm 2012 sẽ loại bỏ việc sử dụng xăng A83.
Hiện nay, giá xăng dầu thế giới biến động nhiều nhưng giá trong nước điều chỉnh tăng, giảm chậm hơn nhiều. Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, trước yêu cầu có một thị trường ổn định, theo nguyên tắc đề ra trong Nghị định 84, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải dự trữ lưu thông 30 ngày.
Do đó, nhìn từ góc độ an ninh năng lượng và đảm bảo hàng hóa tiêu dùng xăng dầu trong mọi tình huống, chúng ta phải thực hiện quá trình gồm: đặt hàng, nhập về, lưu kho và bán trên thị trường. Cho nên không thể ngay lập tức khi giá thế giới thay đổi là nhập được ngay về và bán theo giá thay đổi đó. Theo quy định, thiết kế giá cơ sở phải lấy bình quân trong 30 ngày. Vì lý do này, ông Quyền khẳng định, “thị trường xăng dầu trong nước không thể ngay lập tức tăng hay giảm khi giá xăng dầu thế giới có tăng hoặc giảm”.
Thời gian vừa qua, thực hiện việc kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội nên các doanh nghiệp không được tự động tăng giá xăng dầu trong một số trường hợp theo quy định tại Nghị định 84. Đồng thời, quyền quyết định giá và giám sát giá vẫn do Nhà nước, trên cơ sở theo Nghị định 84, phải căn cứ vào quá trình vận hành giá của thế giới, sử dụng các công cụ về quỹ bình ổn, công cụ về thuế….
Về con số lỗ, tính đến hết quý I/2012, của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lên tới khoảng 5.000 tỷ, do thực hiện bình ổn giá thời gian vừa qua, đặc biệt là khi điều chỉnh tỷ giá, ông Quyền cho rằng, đây mới chỉ là con số ước tính báo cáo từ phía các doanh nghiệp, muốn có con số cụ thể cần chờ kết quả kiểm toán.
Về công tác điều hành giá, ông Quyền cho biết, trong khoảng 10, 20, 30 ngày, tổ công tác liên Bộ Công Thương – Tài chính có trao đổi thông tin, căn cứ vào sàn giao dịch Singapore, căn cứ vào thuế khí các loại… theo Nghị định 84 để xem xét và đề xuất điều chỉnh cho phù hợp.
Liên quan đến việc sẽ cấm lưu hành xăng A83 trên thị trường, ông Quyền cho biết: Từ 2007, Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương) từng đề xuất Chính phủ là không sử dụng xăng A83. Tuy nhiên, tại thời điểm đó một số nơi tại vùng sâu, xa còn đang sử dụng loại xăng này cho các nông cụ sản xuất. Đặc biệt, một số cơ sở sản xuất xăng A83 mới được đầu tư xây dựng và sản xuất nên theo đề nghị của Bộ Khoa học Công Nghệ, Chính phủ đã đồng ý cho tiếp tục sản xuất, lưu thông và tiêu thụ xăng A83.
Đến nay, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ đã thống nhất việc loại bỏ loại xăng này. Hai Bộ đang đánh giá những tác động khi bỏ xăng A83. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng phải chờ Thủ tướng Chính phủ. Ông Quyền cho rằng, có thể trong năm 2012 sẽ loại bỏ được xăng A83./.