Tốc độ tăng của tiêu thụ trong nước, sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá, đã có dấu hiệu phục hồi qua các tháng.
Tiêu thụ trong nước, biểu hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL). Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng TMBL qua các tháng so với cùng kỳ năm trước 6 tháng đầu năm 2012 như sau.
Tốc độ tồn kho chậm dần
Từ các thông tin trên và một số thông tin chi tiết, có thể nhận diện về diễn biến của TMBL trong 6 tháng đầu năm 2012 trên một số mặt đáng lưu ý.
Thứ nhất, tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của TMBL đã cao lên qua từng tháng, tức là tốc độ tăng của tháng sau cao hơn của tháng trước, phản ánh xu hướng đi lên của tiêu thụ trong nước. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm cho tốc độ tăng GDP quý II cao hơn của quý I (4,66% so với 4% của quý I).
Thứ hai, tính chung 6 tháng so với cùng kỳ năm trước đã tăng 6,5%. Tốc độ tăng của 6 tháng năm nay cao hơn tốc độ tăng tương ứng (6,4%) của 6 tháng đầu năm 2011.
Thứ ba, so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng TMBL 6 tháng đầu năm nay đã cao hơn tốc độ tăng GDP trong cùng thời gian (tốc độ tăng quý I là 4%, quý II là 4,66%, tính chung 6 tháng tăng 4,38%).
Thứ tư, tăng trưởng tiêu thụ trong nước cao lên đã góp phần làm cho tốc độ tăng tồn kho tuy vẫn còn cao, nhưng đã chậm dần qua các tháng (tháng 3 tăng tới 34,9%, tháng 4 còn 32,1%, tháng 5 còn 29,4%, tháng 6 còn 26%- cao hơn tốc độ tăng 15,9% của cùng thời điểm năm trước).
Thứ năm, tốc độ tăng TMBL với xu hướng cao lên qua các tháng đã góp phần quan trọng đưa tăng trưởng kinh tế Việt Nam “thoát đáy” vào quý I, vượt dốc đi lên từ quý II, tạo điều kiện để cả năm có thể tương đương hoặc cao hơn năm trước (5,89%). Điều đó có nghĩa là tạo điều kiện cho việc ngăn chặn được nguy cơ suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Thứ sáu, diễn biến TMBL theo loại hình kinh tế có sự khác nhau.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tuy chiếm tỷ trọng thấp nhất (2,6%), nhưng đã tăng với tốc độ cao nhất (tính theo giá thực tế tăng 31,9%, cao gấp rưỡi tốc độ chung). Khu vực này tăng cao nhất do có lợi thế về vốn, về cơ sở vật chất hiện đại, về cân đông đo đếm, về quảng cáo, tiếp thị, về phong cách bán hàng, về niêm yết và giá cả. Khu vực này sẽ tăng tốc khi thị trường bán lẻ của Việt Nam được mở cửa sâu, rộng hơn theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Mặc dù còn một số hạn chế nhất định, thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn hấp dẫn với gần 90 triệu dân, với TMBL gần 100 tỷ USD…
Khu vực kinh tế tư nhân có tốc độ tăng cao thứ hai (tính theo giá thực tế tăng 24,9%) và khu vực này cũng chiếm tỷ trọng cao thứ hai trong các loại hình kinh tế (34,9%); việc tăng với tốc độ cao, do đó tỷ trọng đã tăng lên của khu vực này có nguyên nhân do việc chuyển đổi cơ chế kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung bao cấp bằng hiện vật sang cơ chế thị trường, tạo điều kiện ra đời và phát triển của khu vực này. Có nguyên nhân do thế mạnh về vốn, phương thức bán hàng, quảng cáo tiếp thị...
Khu vực kinh tế cá thể chiếm tỷ trọng cao nhất (47,3%) và có tốc độ tăng cao thứ ba (tính theo giá thực tế tăng 18,7%). Khu vực này chiếm tỷ trọng cao, có một phần quan trọng do đối tượng khách hàng phần lớn là nông dân, dân nghèo thành thị; trong điều kiện lạm phát cao thời gian qua làm cho tiêu dùng của họ bị co lại, nên việc mua bán chủ yếu của các đối tượng trên cũng ở khu vực này.
Khu vực kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng 14%, cao hơn so với trước đây, một phần do ở các đô thị lớn đã đẩy mạnh việc bán hàng bình ổn giá. Tuy nhiên, khu vực này còn lúng túng khi hoạt động trong cơ chế thị trường, nhất là khi có những cơn sốt giá, nhất là những mặt hàng thiết yếu.
Khu vực kinh tế tập thể chiếm tỷ trọng nhỏ (1,1%) và tăng với tốc độ thấp hơn tốc độ chung (18,6%).
Thứ bảy, phân theo ngành hoạt động, ngành thương nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất (76,9%), chủ yếu do sức mua của người dân còn thấp, người tiêu dùng tập trung vào việc mua bán hàng hoá thuần tuý. Ngành khách sạn, nhà hàng chiếm 11,4%, tăng với tốc độ thấp nhất và thấp hơn tốc độ tăng chung (tính theo giá thực tế tăng 18,6%). Điều đó chứng tỏ, khi lạm phát cao, thu nhập còn thấp, chi tiêu của người tiêu dùng cũng co lại, nên việc chi tiêu cho nhu cầu này bị hạn chế. Nhóm ngành du lịch tăng với tốc độ khá cao (tăng 23,9%), nhưng còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (1%). Khu vực dịch vụ tăng với tốc độ cao nhất (34,2%) và chiếm tỷ trọng tương đối khá (10,7%), chứng tỏ bộ phận trung lưu đã phát triển khá, thị hiếu tiêu dùng có sự thay đổi lớn so với trước.
Tuy nhiên, việc cao lên của tốc độ tăng TMBL mới chỉ là dấu hiệu, và mới là một trong các yếu tố để ngăn chặn nguy cơ suy giảm của tăng trưởng kinh tế.
Muốn tăng trưởng kinh tế thực sự thoát đáy vượt dốc đi lên, còn phải đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu thụ trong nước (cũng như các yếu tố khác, như đầu tư, xuất khẩu).
Đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ trong nước
Để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ngoài việc tăng lương tối thiểu với tốc độ cao nhất so với các lần điều chỉnh trước từ tháng 5 đã có tác dụng quan trọng, còn cần phải có nhiều biện pháp khác.
Trước hết, cần có biện pháp quyết liệt ngăn chặn tình trạng ngừng sản xuất kinh doanh, vỡ nợ để hạn chế tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, làm suy giảm thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư. Đồng thời có biện pháp thu hút lao động bằng chương trình tạo việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, phát triển kinh tế tư nhân để giải quyết việc làm, vừa để tăng thu nhập, vừa hạn chế các tiêu cực phát sinh do không có công ăn việc làm. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người có công, người gặp khó khăn do thiên tai, bệnh tật, tai nạn, người nghèo, cận nghèo… Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Các doanh nghiệp mạnh dạn giảm giá bán hơn nữa, để vừa tiêu thụ nhanh hàng hoá nhằm thu hồi vốn trả nợ, đảo nợ hoặc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh; vừa tranh thủ bán khi giá cả còn đang tương đối cao, bởi theo dự đoán của nhiều chuyên gia, tốc độ tăng giá tính theo năm còn tiếp tục thấp hơn nữa trong mấy tháng tới.
Các doanh nghiệp có thể bán thấp hơn thị trường một chút tuy bị thiệt một chút nhưng sẽ thấp hơn nhiều số thiệt hại do vốn bị ứ đọng, lãi suất vay còn cao (thậm chí còn cao hơn nữa nếu bị phạt vì quá hạn), chưa nói là thu hồi vốn nhanh hơn, quay vòng vốn nhanh hơn sẽ đẻ ra thêm lợi nhuận.
Nhà nước có thể tăng thu nhập cho nông dân bằng cách mua tạm trữ gạo, nông sản; hỗ trợ vốn cho nông dân trong việc xây dựng các công trình theo chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa là thời cơ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, vừa tạo việc làm, vừa tạo thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của nông dân, tăng tiêu thụ trong nước.