Bất động sản có thể hồi phục từ cuối năm 2013

07:42, 24/10/2012

Theo nhiều chuyên gia, nếu có chính sách tốt cùng sự sáng tạo của doanh nghiệp BĐS, thị trường này sẽ khởi sắc từ nửa cuối năm 2013.

Sáng 23/10, Báo Đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Triển vọng thị trường bất động sản 2013”. Bằng nhiều dẫn chứng thực tiễn, nhiều chuyên gia và các nhà đầu tư cho rằng, nếu có những tác động tích cực từ chính sách vĩ mô, và sự chủ động sáng tạo từ bản thân các doanh nghiệp bất động sản (BĐS), có thể từ nửa cuối năm 2013, thị trường BĐS sẽ bắt đầu hồi phục và khởi sắc.

 

Thách thức giải phóng “tồn kho”

 

Theo ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, 9 tháng năm 2012 tiếp tục là khoảng thời gian khó khăn của doanh nghiệp BĐS và nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng liên quan trực tiếp thị trường như nhà thầu, đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng.

 
 

Dẫn số liệu thống kê, ông Mai cho biết, tính đến thời điểm quý 3/2012, tổng số căn hộ để bán chào mới ra thị trường sơ cấp tại Hà Nội khoảng 115.500 căn hộ, tại TP HCM khoảng 95.000 căn. Tuy nhiên, sự hấp thụ của thị trường từ quý 4/2011 đến nay rất yếu, cho cả 2 thị trường khoảng 5-7% tổng nguồn cung.

 

Giá bán trung bình toàn thị trường căn hộ để bán cũng sụt giảm rõ rệt: tại Hà Nội từ 1900 USD/m2 (năm 2011) giảm về 1100 USD/m2 (quý 3/2012) (căn hộ bình dân khoảng 640 USD/m2). Tương tự tại TP HCM, từ 1600 USD/m2 (năm 2011) giảm về 800 USD/m2 (cuối quý 2/2012) (căn hộ bình dân khoảng 700 USD/m2). Đặc biệt, trong tháng 8 và 9/2012 đã chứng kiến sự bán giảm giá tỷ lệ lớn của nhiều dự án lớn về nhà ở tại TP HCM và Hà Nội.

 

Nhấn mạnh sự sụt giảm nghiêm trọng niềm tin của người tiêu dùng, các đối tượng tham gia thị trường và các doanh nghiệp BĐS, ông Mai chỉ ra các vấn đề doanh nghiệp BĐS đang đối mặt như: Tồn kho quá lớn; Nợ xấu đang rất cao cản trở việc tiếp cận nguồn tín dụng mới để tái cơ cấu, tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh; Lãi suất cho vay khoảng 15% thì vẫn cao gấp đôi ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của doanh nghiệp BĐS, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp BĐS không thể có hiệu quả, dễ tiếp tục trở thành nợ xấu mới kể cả khi vay được tín dụng; Nguồn vốn tín dụng là ngắn hạn và chưa có các công cụ tài chính trung và dài hạn cho thị trường BĐS.

 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cũng cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp BĐS hầu hết đều bị thua lỗ, có những doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản vì không trả được lãi vay, nợ vay, không thể cơ cấu lại nợ đến hạn, quá hạn, hàng tốn kho rất lớn và không bán được.

 

Khẳng định muốn có giải pháp cho thị trường BĐS, trước hết phải có thống kê chi tiết, đầy đủ về hàng tồn kho, song PGS, TS Bùi Tất Thắng (Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển) cho hay: Thực tế thống kê cũng không dễ, vì nhiều doanh nghiệp BĐS cũng giấu giếm tình trạng hàng ứ đọng của mình.

 

Đáp ứng đúng nhu cầu, thị trường sẽ đi lên

 

Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng phòng nghiên cứu của công ty BĐS Savills Việt Nam cho biết, nguồn cầu trên thị trường vẫn luôn có. Kết quả nghiên cứu của Savills về thị trường căn hộ để bán cho thấy, vẫn có những dự án bán được hàng, vì có sản phẩm phù hợp nhu cầu.

 

Để bán được hàng, theo bà Hằng, doanh nghiệp BĐS phải phục vụ nhu cầu đa số, hướng đến người sử dụng cuối cùng có nhu cầu thực. Khó khăn chủ yếu ở sản phẩm căn hộ có diện tích lớn, vướng vấn đề quy hoạch…. Nhưng chắc chắn cung vẫn tăng và cầu vẫn còn và cũng tăng theo tăng dân số.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, hạ tầng xã hội tác động nhiều đến khách hàng khi quyết định mua chung cư

 

Tương lai 2013 và các năm tiếp theo, riêng năm 2013, chủ đầu tư vẫn phải tính toán đến cân đối giá theo căn hộ, theo m2 và diện tích căn hộ hợp lý, người dân có nhiều lựa chọn hơn thì thị trường vẫn có thể đi lên. Đồng thời, “các dự án muốn tiêu thụ được hàng cần phát triển sản phẩm hoàn thiện, thay vì xây thô; chú trọng nhiều hơn đến đầu tư hoàn thiện hạ tầng xã hội của toàn khu…”- bà Hằng khuyến cáo.

 

Bối cảnh thị trường BĐS hiện nay, ông Lê Hoàng Châu cho là có mặt tích cực vì giá cả BĐS đang quay trở về giá trị thực của nó. Đồng thời, là cơ hội để doanh nghiệp có thực lực chuẩn bị quỹ đất đầu tư, nhận chuyển nhượng lại dự án tốt. Người dân có điều kiện và có lợi thể để chọn mua đất nền dự án, căn hộ để ở với giá hợp lý hơn. Nhà nước cũng có điều kiện để điều chỉnh hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách điều hành nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS.

 

Là người có kinh nghiệm gần 40 năm làm việc trong lĩnh vực xây dựng và BĐS, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CPĐT Dầu khí toàn cầu, ví thị trường BĐS như một cơ thể cần có “luồng máu” để nuôi. Luồng máu đó là từ hệ thống ngân hàng.

 

Theo ông Hiệp, trước khi thị trường BĐS phục hồi, phải chờ hệ thống ngân hàng có thể tái cấu trúc xong vào giữa năm 2013, từ đó sẽ có “luồng máu” cho BĐS. “Ít nhất cuối năm 2013 thị trường BĐS mới có thể phục hồi, còn hiện nay doanh nghiệp BĐS đang trong giai đoạn cầm cự”- ông Hiệp nhận định.

 

Để gỡ khó cho thị trường này, PGS, TS Bùi Tất Thắng còn chỉ ra: Cần sự kết hợp giữa chính sách vĩ mô và nỗ lực của chính các doanh nghiệp BĐS. Đặc biệt, “nếu có chính sách tốt, năm 2013 hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế cho thị trường BĐS. Nhưng phải làm từ từ, không thể kích cầu, hâm nóng thị trường ngay lập tức”./.