Thị trường bất động sản vẫn… bất động

08:56, 04/10/2012

Nhiều dự án bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh một vài năm trước đã chào bán với giá “trên trời” thì nay đã phải chủ động hạ xuống mức thấp nhất nhằm thu hút người mua để cải thiện tình hình khó khăn. Nhiều nhà đầu tư đang phải dở khóc, dở mếu khi đã chót “ném” cả tỷ đồng vào thị trường BĐS trong khi lãi ngân hàng vẫn phải trả hàng tháng… Đó là thực tế buồn mà thị trường BĐS hiện nay đang phải trải qua...

 

Chủ dự án loay hoay tìm cách gỡ

 

Gần đây, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chủ một dự án Khu dân cư mới ở khu vực ngã ba Bắc Nam (T.P Thái Nguyên) thổ lộ: “Đơn vị đang khó khăn quá! Đầu tư cả trăm tỷ đồng vào dự án mà giờ chưa giao bán được là bao. Hơn 50 lô biệt thự giờ chỉ bán được khoảng 20 lô, số còn lại vẫn “đắp chiếu” để đó. Điều đáng nói là cơ bản số lô đã giao bán thì người mua mới trả được một phần tiền theo thỏa thuận. Để thu hồi vốn đơn vị đã giảm giá từ 2 đến 3 triệu đồng/m2, nhưng cũng chẳng có mấy người mặn mà”.

 

 Theo nhận định thì đây là một trong những Dự án BĐS “có tiếng” của tỉnh ngay từ khi nó được phê duyệt, nhưng không may cho chủ dự án là lại đầu tư đúng vào thời điểm thị trường BĐS khó khăn nhất.

 

Chủ một Dự án BĐS khác là Công ty CP Sông Đà 2 cũng đang rất trăn trở khi thị trường nhà đất chưa thoát khỏi trầm lắng. Lãnh đạo Ban quản lý Dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng (Công ty CP Sông Đà 2) cho biết, thị trường BĐS ảm đạm đã gây trở ngại lớn cho doanh nghiệp. Năm 2011, có nhiều khách hàng quan tâm đến giao dịch, nhưng hiện nay tỷ lệ người đến xem, đặt mua khá ít. Như vậy, việc thu hồi vốn, tái đầu tư cho Dự án sẽ bị hạn chế.

 

Theo chủ đầu tư Dự án này thì giá đất tại Khu đô thị hồ Xương Rồng đang dao động từ 9 đến 15 triệu đồng/m2 (lô đất ở vị trí đẹp có giá từ 13 đến 15 triệu đồng/m2), thấp hơn khoảng 1 đến 2 triệu đồng/m2 so với năm trước. Được biết, Khu đô thị này có tới 19ha đất ở, chiếm trên 40% tổng diện tích Dự án, quy mô khoảng 2.000 hộ dân sinh sống.

 

Một số dự án BĐS lớn khác trên địa bàn như: Dự án đường Bắc Sơn, đường Minh Cầu kéo dài và Khu dân cư số 1 phường Hoàng Văn Thụ, Dự án Khu nhà ở Bắc Sơn – Sông Hồng, Dự án Khu dân cư phường Túc Duyên… cũng đang chịu chung cảnh trầm lắng trong giao dịch mua bán.

 

Theo chủ đầu tư Dự án đường Bắc Sơn thì hiện tại do giá BĐS thấp, nhu cầu giao dịch ít, nên đơn vị cho dừng hoạt động chào bán để tập trung vào thi công hoàn thiện dự án. Các chủ dự án khác thì đang loay hoay tìm giải pháp thu hồi vốn để trả lãi ngân hàng, chờ thị trường khởi sắc trở lại.

 

Nhiều nhà đầu tư bị “sa lầy”

 

Thị trường BĐS thời điểm 2009, 2010 khá nóng bỏng thu hút rất nhiều người bỏ tiền đầu tư mua đất. Hệ lụy của nó là đến giờ nhiều người vẫn còn ứ đọng tiền mặt vào BĐS.

 

Còn nhớ năm 2010, rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh ồ ạt tham gia vào thị trường BĐS với mong muốn kiếm lời nhanh chóng, có người còn vay lãi ngân hàng cả chục tỷ đồng để đổ tiền vào đất. Tuy nhiên, ngay sau đó giá đất chững và xuống dốc do sự tác động của nền kinh tế khiến nhiều người không kịp “rút chân” ra khỏi thị trường BĐS. Thời điểm đó, nếu sáng suốt mà đầu tư theo kiểu “lướt sóng” (mua và bán trao tay ngay trên giấy tờ để ăn chênh lệch) thì thắng lớn, còn nếu ghìm lại chờ thị trường “sốt” thì đều bị “sa lầy” và phải chịu thua lỗ.

 

Một nhà đầu tư BĐS tên là Nguyễn Tất Hùng, địa chỉ ở phố Khâm Thiên - Hà Nội cho chúng tôi biết, năm 2010 anh đã ôm 11 tỷ đồng lên Thái Nguyên mua liền 7 lô  đất trong các khu dân cư, đợi giá lên để kiếm lời. Nhưng với tình hình như hiện nay thì 7 lô đất trên chỉ bán được khoảng 9 tỷ đồng (mặc dù vậy cũng chưa có khách hỏi mua). Như vậy, sơ sơ anh Hùng đã lỗ 2 tỷ đồng, đó là chưa kể số tiền anh phải trả lãi ngân hàng hơn 2 năm qua. Hiện tại, anh Hùng mong muốn bán được 7 lô đất càng sớm càng tốt để tránh bị lỗ nặng hơn.

 

 Một trường hợp khác là chị Hoàng Thị Thu Hường, có địa chỉ tại phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên). Năm 2009, chị Hường thuyết phục chồng và người thân bán nhiều tài sản có giá trị, vay mượn thêm anh em được 5 tỷ đồng để đầu tư vào BĐS. Gần đây, do áp lực nợ nần chị đã phải “cắn răng” bán vội số lô đất đã mua mặc dù chỉ thu về 4,2 tỷ đồng. Chị Hường tâm sự: 3 năm qua lúc nào tôi cũng như ngồi trên đống lửa. Thà bán lỗ còn hơn mang mối lo thường trực trong người.

 

Hiện trên địa bàn tỉnh đang có tới mấy chục dự án BĐS. Được biết đã có không ít người mua đất (làm hợp đồng theo hình thức trả dần, lúc đầu có thể 30%, sau đó là 70% và cuối cùng là 100%) đang muốn thương lượng với chủ dự án để rút tiền về vì không có khả năng thanh toán số còn lại.

 

Kỳ vọng sự tác động của nền kinh tế

 

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì thị trường bất động sản thời gian qua đã quá phụ thuộc vào vấn đề tín dụng. Có 2 trường hợp xảy ra: Một là chủ đầu tư dự án BĐS dựa chủ yếu vào vốn vay khiến phải chịu áp lực lớn về lãi suất, trong khi thị trường BĐS không bán được, dẫn đến doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc phá sản. Một là chủ dự án ít sử dụng tiền vay ngân hàng nhưng lại dùng vốn của người đóng góp trước (theo phần trăm mua đất) thì cũng gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng vẫn cao. Từ đó, chủ dự án khó có đủ tài chính để hoàn chỉnh công trình giao cho khách hàng.  

 

Ông Vũ Tiến Thát, Trưởng phòng Quản lý giá (Sở Tài chính): Thị trường BĐS năm nay khá ảm đạm, thời điểm từ nay đến cuối năm cũng khó có thể khởi sắc hơn được. Chỉ khi nào sản xuất ổn định, phát triển, thu nhập của người dân tăng cao, bảo đảm có tích lũy thì lúc đó thị trường BĐS mới thực sự phục hồi. Mặt khác, chính sách về tiền tệ đối với lĩnh vực BĐS cũng góp phần quan trọng cải thiện tình hình.

 

Đánh giá của Phòng Quản lý giá cho thấy, giá BĐS trên địa bàn tỉnh năm 2012 giảm khá sâu, khoảng từ 20% đến 30% so với hai năm trước, tất nhiên là tùy thuộc vào từng vị trí đất cụ thể. Trong năm, đã có nhiều khu dân cư được tổ chức đấu giá, nhưng số lượng người tham gia rất ít, chỉ bằng một nửa của những năm trước. Đã có một số trường hợp, sau khi tiến hành đấu giá hai lần nhưng vẫn không có người tham gia nên Hội đồng đấu giá đất của địa phương đã phải chuyển sang hình thức xét giao, rồi hạ giá đất.  

 

Điều đó cho thấy nhu cầu giao dịch BĐS năm nay khá trầm lắng, cung đang vượt so với cầu. Thực tế, tại một khu dân cư mới của phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) vào năm 2010, khi tiến hành đấu, nhiều lô đất đã được đẩy lên so với giá gốc từ 2 đến 3 triệu đồng/m2, nhưng ở thời điểm hiện nay tại khu dân cư này, giá bán trung bình đã giảm tới 4 đến 5 triệu đồng/m2 so với giá thực mua trước đó.

 

Các chuyên gia cho rằng thị trường BĐS chỉ có thể được tháo gỡ khi nền kinh tế thực sự ổn định và phát triển. Do đó, hiện nay cả chủ dự án BĐS và người đầu tư BĐS đều đang nghe ngóng thị trường và kỳ vọng nhiều vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế.