Nguy cơ mất thị trường nội địa

14:37, 15/11/2012

Đó là cảnh báo của TS Đinh Công Khải, viện trưởng Viện Chính sách công (Đại học Kinh tế TP.HCM), khi trao đổi về việc doanh nghiệp “ngoại” nở nồi, còn doanh nghiệp nội teo tóp.  

Khi các nước đang phát triển mở cửa thị trường để thu hút đầu tư nước ngoài, bao giờ cũng có hai mặt, mặt thuận lợi và mặt trở ngại. Thuận lợi là thu hút được đồng vốn, công nghệ, trình độ quản lý. Còn trở ngại là năng lực vốn, năng lực quản lý chuỗi cung ứng, marketing, quản lý điều hành sản xuất, công nghệ của các công ty đa quốc gia rất mạnh, nên các doanh nghiệp (DN) trong nước chắc chắn sẽ bị thua thiệt, dẫn đến khả năng bị thôn tính, phá sản và thị phần đương nhiên sẽ dần vào tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài FDI.

 

Đây không phải là chuyện trong tương lai nữa mà đang xảy ra khi một số DN nước ngoài công khai mua cổ phiếu của các DN ngành nhựa lớn nhất cả nước như nhựa Bình Minh, nhựa Tiền Phong...

 

Các DN FDI thôn tính bằng cách mua cổ phiếu và nắm quyền lãnh đạo, quyền chi phối DN. Khi đã có quyền đó họ sẽ chiếm lĩnh thị trường VN thông qua DN họ đã mua. Hơn nữa, các DN FDI sẽ biến các DN VN thành những nhà mua hàng của họ. Chẳng hạn ngành nhựa, khi đã thâu tóm được DN trong nước, họ sẽ đưa những hạt nhựa của công ty họ bắt DN VN phải mua để sản xuất tạo ra những sản phẩm nhựa tiêu thụ ngay tại thị trường VN. Như vậy các DN FDI vừa khống chế được thị trường, vừa biến các DN trong nước thành những khâu trung gian để tiêu thụ sản phẩm của họ một cách đúng luật. Đây là điều hết sức nguy hiểm đối với các DN VN vì chỉ một vài năm nữa sẽ có nhiều ngành công nghiệp của VN bị các DN nước ngoài khống chế.

 

Ngoài những nguyên nhân về công nghệ, quản lý..., DN trong nước bị thua trên sân nhà có phải do chính sách điều hành vĩ mô?

 

Chính sách quy hoạch phát triển ngành của VN rất chung chung. Thay vì phải dựa vào lợi thế của các địa phương để thu hút vốn phù hợp, địa phương này nên làm cái gì, địa phương kia nên làm cái gì thì Nhà nước để các địa phương tự quyết. Do đó mới xảy ra tình trạng các địa phương cạnh tranh nhau để thu hút vốn FDI. Tỉnh nào cũng có khu công nghiệp, tỉnh ven biển nào cũng có cảng biển, cách mấy chục kilômet lại có một sân bay... Đến khi có khu công nghiệp rồi thì địa phương lại đưa ra những chính sách thu hút DN vô tội vạ. Kết quả là năng lực của đất nước không được tập trung, đồng thời bị các DN bên ngoài tấn công.

 

Theo ông, để giảm thiểu các khả năng xấu nhất xảy ra, VN nên làm gì?

 

Với nhiều ngành, VN xuất khẩu được 10 đồng thì DN FDI đã chiếm 6 đồng và họ mang ra khỏi VN 5 đồng.

 

Để hỗ trợ các DN trong nước, trước mắt Nhà nước nên tiếp tục kiên định chính sách ổn định kinh tế vĩ mô để các DN ổn định kinh doanh. Làm gì cũng cần có một quy hoạch và dài hạn, nếu cứ giải quyết những vấn đề trước mắt thì không biết kế tiếp sẽ như thế nào, có khi còn gây hại hơn là lợi ích. Không thể thấy ngành này đang thiếu vốn thì đắp vốn vào vì bên cạnh vốn cần phải đi kèm với công nghệ, khả năng quản lý...

 

Về lâu dài, VN cần xây dựng những chiến lược, chính sách phát triển ngành hợp lý dựa trên lợi thế cạnh tranh của VN ở từng ngành mũi nhọn và có sự liên kết giữa các ngành mũi nhọn với các ngành công nghiệp hỗ trợ. Không thể xây dựng chiến lược ngành chung chung hoặc chủ quan như từng có trước đây. Nhiều chiến lược do người xây dựng nghĩ ra nhưng đưa ra cho DN lại kém thực thi, không phù hợp với cái họ đang đối mặt.

 

 

"Tôi có thể nói thẳng rằng chính sách hỗ trợ cho các DN VN còn rất thiếu và yếu. Nói đến vốn thì ai cũng thấy rằng chính sách điều hành vĩ mô hiện nay đã khiến dòng tiền đi lòng vòng trong ngân hàng chứ không đến được tay DN".

                                                                                                     TS Đinh Công Khải