Trong khi thịt gà nhập khẩu đang tràn ngập thị trường, đe dọa giết chết ngành chăn nuôi trong nước thì vẫn có những doanh nghiệp tìm đường xuất khẩu trứng gà tươi.
Bản thân nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi cho biết đã sẵn sàng xuất khẩu thịt bằng cách xây dựng những trang trại và nhà máy chế biến hiện đại hàng đầu châu Á.
Tìm đường xuất ngoại
Những tháng đầu năm 2012, cùng với sự sụt giảm trầm trọng giá các sản phẩm thịt heo, gà, vịt... sản xuất trứng trong nước cũng rơi vào khủng hoảng thừa. Trong khi giá thành sản xuất trứng gà công nghiệp ở mức 1.500 đồng/quả thì giá bán thường xuyên xuống dưới 1.200 đồng/quả, có thời điểm chỉ còn 800 đồng/quả. Trước tình hình tiêu thụ trứng tại thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn, một số công ty sản xuất và kinh doanh trứng đã nghĩ đến chuyện đưa trứng xuất khẩu để giảm áp lực nguồn cung trong nước.
Tuy nhiên, xuất khẩu trứng tươi không dễ dù rằng VN đã có kinh nghiệm xuất khẩu trứng muối sang nhiều thị trường. “Chúng tôi có tiếp xúc một số khách hàng tại Hong Kong nhưng họ đòi hỏi tiêu chuẩn rất gắt gao. Trứng xuất khẩu phải lấy từ các trang trại được kiểm soát dịch bệnh, phải có hàm lượng kim loại nặng dưới ngưỡng cho phép và hàng loạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn dịch bệnh và thực phẩm khác” - ông Đàm Văn Hoạt, giám đốc Công ty TNHH Trại Việt (Vietfarm), nhớ lại.
"Do lấy tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu để áp dụng cho ngành chăn nuôi trong nước nên đến nay Thái Lan xuất khẩu khá nhiều thịt vào các thị trường khó tính. Và chính hàng rào kỹ thuật này đã giúp cho thịt đông lạnh từ các nước không thể thâm nhập thị trường Thái Lan" - Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg (tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP VN)
Để có thể xuất khẩu, Vietfarm đã phải tìm đến các công ty sản xuất trứng lớn nhất của VN đặt hàng mua trứng từ các trang trại có chứng nhận không dịch bệnh. Quy trình nuôi gà cũng được kiểm soát kỹ càng để đảm bảo không có các kim loại nặng. Sau khi vượt qua các thử nghiệm mà khách hàng yêu cầu cũng như mời khách hàng đến kiểm tra tại các trang trại, nhà máy chế biến, vào tháng 5-2012 Vietfarm chính thức xuất khẩu lô trứng gà tươi đầu tiên gồm 144.000 quả sang thị trường Hong Kong bằng đường biển. Như vậy, sau một thời gian dài chủ yếu xuất khẩu trứng muối sang các thị trường Trung Quốc, Hong Kong, Singapore... trứng gà tươi VN đã được bán tại các siêu thị ở Hong Kong. Sau lô hàng đầu tiên, đối tác Hong Kong tiếp tục nâng số lượng mua trứng của công ty lên 1 triệu quả/tháng. Việc xuất khẩu trứng gà tươi trong thời điểm đó là một thông tin vui cho ngành chăn nuôi gà trứng của VN khi nguồn cung dư thừa suốt từ đầu năm. Dù lượng xuất khẩu ban đầu không nhiều nhưng đã có những tác động tích cực góp phần nâng giá trứng trong nước tăng thời gian sau đó.
Sau thị trường Hong Kong, Vietfarm tiếp tục tìm thị trường mới. Qua một website chuyên về thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, Vietfarm đã tiếp xúc với một đối tác chuyên xuất khẩu nông sản từ châu Á đi châu Phi. Sau thời gian thương thảo và chứng minh sản phẩm trứng tươi VN đảm bảo các yêu cầu an toàn thực phẩm, ngày 10-12 vừa qua hai container trứng gà tươi (600.000 quả) của Vietfarm đã được đưa xuống tàu biển xuất khẩu sang thị trường Angola (châu Phi). Ông Đàm Văn Hoạt cho biết đây là lần đầu tiên Vietfarm xuất khẩu được trứng gà tươi sang thị trường châu Phi. Lô hàng này được vận chuyển bằng đường biển trong thời gian khoảng 45 ngày với điều kiện bảo quản dưới 40C. Sau lô hàng này, đến tháng 1-2013 Vietfarm sẽ giao thêm khoảng 1,2 triệu quả trứng nữa cho khách hàng Angola. “Nếu mọi điều kiện xuất nhập khẩu diễn ra bình thường, đối tác của Vietfarm sẽ mua khoảng tám container mỗi tháng (2,4 triệu quả)” - ông Hoạt cho biết.
Đến chiến lược xuất khẩu thịt
Cũng theo ông Hoạt, Angola nói riêng và các nước châu Phi nói chung là thị trường có nhiều tiềm năng cho xuất khẩu trứng tươi của VN vì nhiều nước tại châu Phi giàu hơn VN nhưng ngành chăn nuôi không phát triển. Hiện một số nước châu Á cũng đang xuất khẩu thịt và trứng sang các thị trường này như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ... Đây là những đối thủ lớn của VN bởi họ có nền chăn nuôi được định hướng về xuất khẩu rõ ràng, trong khi ngành chăn nuôi trong nước vẫn chỉ hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu trong nước. “Bản thân các thị trường gần VN là Hong Kong, Trung Quốc, Singapore... cũng có nhu cầu rất lớn về thịt vịt (ngoài sản phẩm trứng) nhưng do chúng ta chưa có chiến lược rõ ràng, vẫn để tình trạng dịch bệnh xảy ra nhiều nơi nên rất khó cho xuất khẩu” - ông Hoạt nói.
Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg - tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP VN - cho biết Thái Lan đã định hướng ngành chăn nuôi hướng về xuất khẩu từ cách đây rất lâu. Một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU đó là vùng nuôi phải an toàn dịch bệnh, không tiêm văcxin trên sản phẩm chăn nuôi. “Chính vì lấy tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu để áp dụng cho ngành chăn nuôi trong nước nên đến nay Thái Lan xuất khẩu khá nhiều thịt vào các thị trường khó tính. Và chính hàng rào kỹ thuật này đã giúp cho thịt đông lạnh từ các nước không thể thâm nhập thị trường Thái Lan” - ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg nói.
Theo các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, VN hoàn toàn có thể cạnh tranh trong xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi như Thái Lan và Malaysia đang làm. Ông Đàm Văn Hoạt khẳng định có ba yếu tố quan trọng để xuất khẩu đó là giá thành sản xuất, quản lý dịch bệnh và có nhà máy chế biến hiện đại. Tại VN giá thành sản xuất gà công nghiệp tương đương Thái Lan, Malaysia, Mỹ... Các công ty kinh doanh thực phẩm như Vietfarm, CP... đã đầu tư những nhà máy hiện đại đạt tiêu chuẩn mà các thị trường khó tính như EU và Mỹ yêu cầu. Do đó chỉ còn khâu kiểm soát dịch bệnh, nếu làm tốt thì trứng, thịt gia cầm của VN hoàn toàn có thể xuất sang Mỹ, EU...