Chính sách quản lý thị trường vàng vì lợi ích chung của toàn xã hội

07:55, 22/01/2013

Vàng là một mặt hàng đặc biệt có ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Quản lý tốt thị trường này sẽ mang lại lợi ích lớn đối với toàn xã hội.  

Ðể bảo đảm lợi ích của Nhà nước trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và chống hiện tượng "vàng hóa" nền kinh tế cũng như bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân và sự thuận tiện trong mua, bán, chất lượng của vàng, Chính phủ đã cho ban hành Nghị định 24/2012/NÐ-CP ngày 3-4-2012 nhằm tăng cường quản lý và ổn định thị trường này. Trong đó, một nội dung quan trọng là từ ngày 10-1-2013, chỉ các địa điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được phép giao dịch vàng miếng. Như vậy, hệ thống 12 nghìn doanh nghiệp mua bán vàng miếng nhỏ lẻ trước đây sẽ được thay thế bằng hơn hai nghìn điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại (NHTM) và doanh nghiệp được cấp phép. Kể từ khi Nghị định 24 ra đời, đã có rất nhiều ý kiến lo ngại về khả năng và năng lực triển khai của hệ thống mới trong phục vụ nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế sau một tuần triển khai, mạng lưới mua bán vàng miếng mới của các NHTM và các doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Ðiểm thành công rõ nét nhất của công tác triển khai mạng lưới mới là chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đã giảm nhiệt nhanh chóng, từ mức gần năm triệu đồng/lượng về mức khoảng ba triệu đồng/lượng.

 

Ðã không có bất kỳ cơn sốt giá hoặc tình trạng khan hiếm nào xảy ra. Theo các phương tiện thông tin đại chúng, phản ứng của người dân đi mua bán vàng về cơ bản ủng hộ chủ trương quản lý tập trung, bài bản các điểm giao dịch tại các đơn vị kinh doanh có uy tín và năng lực tài chính tốt. Mặc dù có số lượng điểm giao dịch ít hơn so trước đây trong giai đoạn đầu có làm giảm phần nào sự thuận tiện về thời gian và địa điểm giao dịch nhưng người dân vẫn được bảo đảm những quyền lợi và lợi ích, trong đó một mặt quyền sở hữu hợp pháp của người dân đối với vàng như một loại tài sản tiếp tục được tôn trọng, mặt khác người dân được tiếp cận với một thị trường có tổ chức, chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn, uy tín hơn, bảo đảm an toàn và quyền lợi tốt hơn cho người dân trong quá trình mua bán.

 

Theo ước tính của Hội đồng vàng thế giới, tổng trữ lượng vàng trong dân tại Việt Nam năm 2011 có thể lên tới hơn 400 tấn, tương đương với hơn 20 tỷ USD, chiếm gần 20% GDP và được chia thành hai phần chủ yếu là thị trường vàng trang sức và thị trường vàng miếng. Trong đó, thị trường vàng trang sức tại Việt Nam đã tồn tại từ lâu đời, phục vụ cho thói quen, tập quán sử dụng và tích trữ vàng của phần đông người dân ở khắp vùng, miền đất nước. Trong khi đó, thị trường vàng miếng tại Việt Nam chỉ thật sự sôi động trong khoảng gần mười năm trở lại đây, nhất là sau khi nhiều ngân hàng triển khai mạnh các nghiệp vụ huy động, cho vay, mua bán vàng tài khoản trên sàn giao dịch... Việc ra đời các sản phẩm vàng miếng cùng với các sản phẩm của ngân hàng liên quan đến vàng đã kích thích ngày càng nhiều người dân tham gia mua bán, đầu cơ kinh doanh và sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán và kênh đầu tư hấp dẫn thoát khỏi bản chất chính là dự trữ đơn thuần. Sự phát triển tự phát thiếu chính sách quản lý phù hợp đã dẫn đến tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế diễn ra nhanh chóng. Theo thống kê, đến hết năm 2012 đã có 12 nghìn doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh vàng miếng và doanh số giao dịch trên các sàn vàng tại Việt Nam những năm 2008-2009 có thời điểm lớn hơn cả quy mô của thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ liên ngân hàng và nếu tính tổng doanh số trong một năm có thể lớn gấp hai lần GDP của cả nước. Với quy mô như vậy, hoạt động của thị trường vàng miếng đã tạo ra "độ nhiễu" lớn trong các chỉ số kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý, điều hành của Nhà nước. Những "cơn sốt" vàng, tình trạng nhập khẩu vàng, bao gồm cả nhập lậu diễn ra hằng năm đã có những tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế-xã hội, ảnh hưởng tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Cụ thể, hoạt động giao dịch và kinh doanh vàng miếng, vàng tài khoản đã tạo ra những sức ép lớn lên cán cân thanh toán quốc gia, ảnh hưởng tới sự ổn định của tỷ giá. Chỉ tính riêng trong năm 2011, kim ngạch nhập khẩu đá quý, kim loại quý, trong đó chủ yếu là nhập khẩu vàng của Việt Nam đã lên tới hơn hai tỷ USD, chưa kể nhập lậu. Mặc dù có giá trị giao dịch rất lớn nhưng thị trường vàng miếng hầu như không đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia do phần lớn hoạt động trên thị trường đều có tính chất đầu cơ, không tạo ra giá trị gia tăng.

 

Sự phát triển nêu trên của thị trường vàng cho thấy phương thức quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định số 174/1999/NÐ-CP ngày 9-12-1999 của Chính phủ đã không còn phù hợp và đòi hỏi cần phải xây dựng một cơ chế quản lý mới phù hợp hơn với thực tế hiện tại để tạo ra lợi ích chung cho toàn xã hội và cho mỗi người dân. Việc thực hiện có lộ trình linh hoạt, hợp lý từ năm 2011 đến nay, chính sách ngừng huy động, cho vay vàng và chấm dứt hoạt động của các sàn giao dịch vàng, hoạt động giao dịch vàng tài khoản của các NHTM đã từng bước làm giảm đáng kể tình trạng vàng hóa, hạn chế tình trạng đầu cơ vàng tràn lan, góp phần làm giảm tác động tiêu cực của thị trường vàng lên đời sống xã hội và nền kinh tế. Kết quả rõ ràng là trong năm 2012, việc tất toán trạng thái huy động và cho vay vàng của các NHTM đã cơ bản được hoàn tất và tỷ giá ngoại tệ được duy trì ổn định, phản ánh đúng thực tế điều kiện kinh tế vĩ mô chứ không bị biến động bất thường và bóp méo do hoạt động kinh doanh vàng tạo ra như chúng ta đã thấy trong năm 2011 và các năm trước đây.

 

Việc lựa chọn chính sách phù hợp luôn không dễ dàng, đòi hỏi trước hết cái tâm, sự hiểu biết, bản lĩnh và sự dũng cảm của các nhà quản lý. Việc lựa chọn chính sách quản lý đối với hoạt động của thị trường vàng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng không là ngoại lệ. Sẽ không có một chính sách, một mô hình quản lý nào có thể đúng với mọi thị trường trong mọi giai đoạn. Mỗi chính sách sẽ luôn tồn tại cả ưu và nhược điểm trong từng điều kiện thị trường và với từng mục tiêu quản lý nhất định. Việc lựa chọn chính sách quản lý đối với hoạt động của thị trường vàng Việt Nam cần được tính toán sao cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế trong từng giai đoạn nhằm đem lại lợi ích chung cao nhất cho toàn xã hội. Xét trên những góc độ đó, những diễn biến nêu trên đã cho thấy việc ra đời và triển khai Nghị định 24 đã bước đầu tạo ra những kết quả tích cực phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.