Kiểm soát chặt giá cả, thị trường

11:20, 27/01/2013

Thị trường hàng hóa, dịch vụ phục vụ Tết Quý Tỵ 2013 đã bước vào thời điểm sôi động với một lượng lớn hàng hóa các loại được các doanh nghiệp (DN) đưa ra thị trường. Tuy thị trường thời điểm này đã nhộn nhịp hơn nhưng sức mua vẫn chưa tăng cao. Mặc dù vậy, giá cả nhiều loại hàng hóa đã bắt đầu "nhích" lên từng ngày.

Nguồn cung dồi dào

 

Tại các siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội, lượng hàng hóa chuẩn bị tăng từ 15 đến 20% so với các tháng trong năm để phục vụ người dân mua sắm Tết. Hệ thống siêu thị Big C tại Hà Nội đã dự trữ hơn 250 tấn mứt, kẹo truyền thống; 600 tấn thịt nguội; 1.000 tấn rau, củ, quả; 24 loại giỏ quà Tết với nhiều mức giá khác nhau. Cơ cấu các mặt hàng trong siêu thị hiện nay cũng có sự thay đổi khá rõ rệt. Theo đại diện siêu thị Big C, người dân chỉ tập trung mua thực phẩm thiết yếu, còn các nhóm hàng tiêu dùng chỉ bán chạy nếu có khuyến mại, giảm giá hấp dẫn. Vì vậy, các siêu thị cũng tăng cường chuẩn bị lượng hàng thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt các loại, thủy, hải sản... Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam Vũ Thị Hậu cho biết, ngoài việc tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, hệ thống siêu thị Fivimart của đơn vị chú trọng khai thác các sản phẩm của DN trong nước thay cho các sản phẩm nhập khẩu. Phần lớn các sản phẩm như rau sạch, thịt sạch, các loại bánh, mứt, kẹo... được khai thác từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được siêu thị kiểm soát kỹ lưỡng, cẩn thận, để giữ uy tín với khách hàng.

 

Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, lượng hàng hóa phục vụ Tết Quý Tỵ tương đối dồi dào và đa dạng về chủng loại. Tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị cho sản xuất, dự trữ hàng Tết đạt hơn 6.681 tỷ đồng, tăng 23,9% so với năm trước, trong đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 3.436,4 tỷ đồng, tăng 21,4%. Trong các nguồn hàng hóa phục vụ Tết thì lượng hàng hóa được bình ổn giá chiếm từ 30% đến 40% thị phần, các chợ đầu mối chiếm từ 40% đến 50%... Một số mặt hàng có khối lượng tăng cao, vượt gần 50% nhu cầu của thị trường như thịt, trứng gia cầm, dầu ăn, đường... Các siêu thị trên địa bàn TP đã chuẩn bị lượng hàng hóa Tết tăng từ hai đến ba lần so với các tháng thông thường.

 

Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, bên cạnh lượng hàng hóa được hỗ trợ từ chương trình bình ổn giá thì năm nay, hàng hóa Tết được các địa phương, DN lên kế hoạch chuẩn bị với giá trị cao hơn mức tiêu thụ của tháng từ 15 đến 20% và cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5-10% (ước tính giá trị hàng hóa cả nước chuẩn bị cho một tháng tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán khoảng 170.000 - 180.000 tỷ đồng)

 

Mặc dù lượng hàng hóa đưa ra thị trường Tết khá dồi dào nhưng thị trường đến thời điểm này vẫn chưa thật sự sôi động do sức mua trên thị trường chưa tăng cao. Chị Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng bán bánh kẹo trên phố Tây Sơn (Hà Nội) cho biết: "Mọi năm, giờ này bán hàng không ngơi tay nhưng năm nay thì ế quá, không biết có bán được hết chỗ hàng đã lấy không nữa".

 

Theo tiểu thương tại các chợ lớn trên địa bàn TP Ðà Nẵng, tình hình mua bán ở chợ hiện khá im ắng. Bán mạnh nhất thời điểm này vẫn là nhóm hàng thực phẩm tươi sống. Riêng mặt hàng may mặc, giày dép, sức mua tuy đã cải thiện nhưng vẫn không tăng nhiều so với tháng trước. Ðến thời điểm này, các mặt hàng bánh kẹo, mứt, mắm dưa, măng khô... đã tràn ngập trong các chợ, thế nhưng phần lớn các chợ đều vắng khách, sức mua giảm mạnh so với cùng thời điểm năm ngoái. Chị Liễu Thị Lụa, chủ quầy bán bánh kẹo tại chợ Cồn (Ðà Nẵng) cho biết: "Thời gian này mọi năm, người dân đã chen chân nhau đi chợ mua sắm hàng Tết. Còn năm nay, ngồi cả ngày mới thấy một vài khách hỏi thăm, rất ế ẩm. Với sức mua yếu như năm nay, tiểu thương đều lo lắng tình trạng tồn hàng, chứ doanh thu giảm từ một phần ba đến một nửa là điều chắc chắn". Nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo trên các tuyến đường ở Ðà Nẵng đã treo bảng giảm giá từ 25% đến 50%, thậm chí có nơi 70%, nhưng vẫn vắng khách. Các quầy bán giày dép ở chợ Hòa Khánh, chợ Hàn, chợ Cồn... cũng thưa khách dù giá cả giày dép tăng không nhiều so với mọi năm.

 

 Giá cả bắt đầu "nhích" lên

 

Từ đầu tháng Chạp Âm lịch trở đi, giá các mặt hàng tiêu dùng phục vụ Tết Nguyên đán như lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, quần áo tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... trên địa bàn TP Ðà Nẵng đều tăng từ 10 đến 20%. Trong đó, các loại bánh, kẹo có giá dao động từ 90 đến 100 nghìn đồng/kg (tăng 10 nghìn/kg). Giá các loại mứt từ 80 đến 120 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 10%. Giá thịt bò các loại tăng từ 10 đến 20 nghìn đồng/kg; trứng gà tăng 1.500 đến 2.000 đồng/1chục; thịt gà ta tăng từ 20 đến 40 nghìn đồng/kg; rau, củ, quả các loại đều tăng nhẹ. Chị Nguyễn Thị Ngọc, trú phường An Hải Ðông (quận Sơn Trà, Ðà Nẵng) than phiền: "Kinh tế đang khó khăn mà giá cả các mặt hàng cứ tăng thế này thì đời sống sẽ thêm phần khó khăn. Ði chợ sắm Tết năm nay, tôi đều phải cân nhắc, tính toán chi li, thậm chí giảm bớt lượng mua so với trước".

 

Tổng hợp tình hình giá cả thị trường trên cả nước, Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết, giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh, thịt gia súc, gia cầm... bắt đầu tăng giá do ảnh hưởng của thời tiết và các đơn vị cung ứng đang tập trung để đưa ra vào dịp Tết Nguyên đán nên nguồn cung trong giai đoạn này có phần bị thu hẹp. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng thực phẩm chế biến phục vụ Tết bắt đầu nhích lên. Mặc dù vậy, lãnh đạo nhiều ban, ngành địa phương đều khẳng định, sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, "sốt" giá. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội Nguyễn Huy Ðăng nhấn mạnh, Hà Nội sẽ không thiếu nguồn cung cấp thịt gia súc, gia cầm, trứng, rau xanh... Thành phố hiện có khoảng 1,4 triệu con lợn, 23 triệu con gia cầm và nguồn thủy sản nuôi trồng cũng phát triển mạnh. Mặt hàng rau xanh thời gian qua có tăng giá, nhưng từ nay đến Tết sẽ không tăng đột biến như trước, một phần vì thời tiết ấm lên, mặt khác, do người nông dân tận dụng diện tích trồng đỗ tương để sản xuất thêm.

 

Tương tự, Giám đốc Sở Công thương Ðà Nẵng Phan Văn Kha khẳng định: "Về hàng hóa chắc chắn không thiếu, vì UBND thành phố Ðà Nẵng đã chỉ đạo ngành công thương phối hợp các đơn vị, DN dự trữ lượng hàng hóa tổng trị giá lên đến 600 tỷ đồng. Chúng tôi cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành giám sát chặt chẽ việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Ðặc biệt, năm nay Ðà Nẵng sẽ dồi dào lượng hoa, trái cây, rau, củ, quả tươi từ Ðà Lạt chuyển về, nhờ chương trình hợp tác thương mại Ðà Nẵng - Lâm Ðồng vừa được ký tháng 10-2012".

 

Tại TP Hồ Chí Minh, liên tục trong những ngày gần đây, lãnh đạo UBND thành phố và các cơ quan chức năng đã kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện kế hoạch tạo nguồn và cung ứng hàng hóa Tết Quý Tỵ 2013 của DN tham gia chương trình bình ổn giá. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng kiểm tra việc chấp hành các quy định về niêm yết, bán đúng giá niêm yết, đúng khung giá, mức giá quy định tại các điểm bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống... Công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý giá đã được Sở Công thương, Sở Tài chính, UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện từ nay đến sau Tết và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, thao túng giá, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đồng thời bảo đảm thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.

 

Ðể góp phần bình ổn giá cả thị trường, mạng lưới các điểm bán hàng bình ổn giá được mở rộng tại các địa phương. TP Hồ Chí Minh hiện có 5.277 điểm bán hàng bình ổn giá, riêng các mặt hàng lương thực, thực phẩm có 2.734 điểm bán, trong đó có 785 điểm bán ở vùng ngoại thành và 13 điểm bán tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Từ nay đến Tết, các sở, ngành, quận, huyện sẽ phối hợp các DN phát triển thêm các điểm bán và thực hiện khoảng 700 chuyến bán hàng lưu động. Cùng với những cam kết về chất lượng và giá cả, các DN cũng sẽ tăng thời gian phục vụ trong thời điểm cận Tết và mở cửa phục vụ sớm vào ngày mồng 2 Tết... Tại Hà Nội, 15 DN tổ chức 710 điểm bán hàng bình ổn giá cố định và khoảng 1.500 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng, các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, công ty trên địa bàn. Ðồng thời, tổ chức hơn 200 chuyến bán hàng lưu động, đưa các mặt hàng thiết yếu, hàng được bình ổn giá về khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất... Tuy nhiên, dự báo trong những ngày tới, càng gần sát Tết, thị trường sẽ nhộn nhịp, sôi động các hoạt động mua sắm Tết và theo quy luật tiêu dùng, nhiều nhóm hàng, nhất là nhóm hàng thực phẩm tươi sống sẽ tăng mạnh. Vì vậy, công tác quản lý, bình ổn giá cần thực hiện quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng.

 

Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ giá cả, công tác quản lý thị trường cũng cần được các địa phương đẩy mạnh thực hiện. Hà Nội không chỉ là một thị trường có sức tiêu thụ lớn mà còn là điểm trung chuyển hàng hóa đi nhiều địa phương khác cho nên tình hình hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng đổ về địa bàn diễn biến phức tạp. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thị Như Mai cho biết, thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra 2.014 vụ, xử lý 1.784 vụ vi phạm, thu gần 10 tỷ đồng tiền phạt. Thành phố cũng lập sáu đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông, lấy mẫu xét nghiệm, cảnh báo thực phẩm không an toàn. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục được thành phố duy trì thường xuyên. Các chốt kiểm dịch hoạt động 24/24 giờ. Nhờ sự quyết liệt vào cuộc của các lực lượng chức năng, số lượng gà loại thải, gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc trên địa bàn trong thời gian qua đã giảm hơn 90%.

 

Tuy vậy, lượng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trôi nổi trên thị trường vẫn tiếp tục là mối lo ngại của người dân. Lực lượng chức năng đã xử lý nhiều nhưng số vụ việc vi phạm vẫn không giảm. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hơn nữa, xử lý quyết liệt và mạnh tay để tăng tính răn đe. Người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Tết cũng cần cẩn trọng, lựa chọn các cơ sở, cửa hàng uy tín, xem kỹ hàng hóa trước khi chọn mua...