Nâng cao cơ hội cạnh tranh cho sản xuất thuốc "nội"

09:19, 03/03/2013

Theo Tổng Cục thống kê, nhiều năm qua mức độ tăng giá nhóm mặt hàng dược phẩm luôn thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Cụ thể năm 2012, mức độ tăng giá nhóm hàng dược phẩm là 5,2%, trong khi mức độ tăng CPI là 6,81%.

Như vậy, có thể thấy giá thuốc Việt Nam sản xuất hợp lý, trừ một số trường hợp cá biệt giá có thể tăng cao tương ứng quy luật cung cầu.

 

Tuy nhiên khả năng cạnh tranh của thuốc nội chưa đạt được như kỳ vọng của ngành và doanh nghiệp dược đang phải chịu sức ép cạnh tranh từ các nguồn thuốc nhập khẩu.

 

Đảm bảo chất lượng, giá thành

 

Hiện nay, ngành dược Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất thuốc, bao gồm doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược và doanh nghiệp sản xuất thuốc từ dược liệu. Hệ thống phân phối thuốc rộng khắp cả nước với trên 2.200 đơn vị và 43.000 cơ sở bán lẻ…

 

Ngành dược Việt Nam là một ngành được tiêu chuẩn hóa cao, các nhà máy sản xuất thuốc đều phải đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất thuốc (GMP), kiểm nghiệm thuốc (GLP), bảo quản thuốc (GSP), theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn thực hành tốt trong các khâu bán buôn, bán lẻ (GDP, GPP), do đó chất lượng thuốc sản xuất trong nước ngày càng được nâng cao.

 

Ngoài ra, các thuốc sản xuất trong nước đã bao phủ cả 27 nhóm tác dụng dược theo quy định của WHO. Những dạng thuốc truyền thống gồm viên nén, viên nang, thuốc nước…nhiều dạng bào chế mới phục vụ nhu cầu điều trị đã được nghiên cứu, sản xuất như thuốc đông khô, khí dung, thuốc vi nang, thuốc giải phóng hoạt chất chậm…

 

Ông Trần Viết Tiệp, Giám đốc bệnh viện Trung ương Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí cho biết bệnh viện đang sử dụng 451 loại thuốc để điều trị, trong đó có 205 loại thuốc được sản xuất trong nước, chiếm 45,4% trên tổng số loại thuốc.

 

Thuốc sản xuất trong nước, thường có giá thành hợp lý, nguồn cung chủ động và kịp thời, đáp ứng được yêu cầu điều trị, góp phần đảm bảo chất lượng điều trị bệnh và giảm chi phí cho người dân.

 

Còn bà Tống Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế đánh giá thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng 50% nhu cầu thuốc phòng bệnh cho nhân dân, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tăng lên là đồng nghĩa với việc giảm số tiền mua thuốc, giảm tổng chi phí ca điều trị và giảm chi trực tiếp tiền túi từ người bệnh, tránh được “bẫy nghèo” do chi phí y tế quá lớn.

 

Tiếp sức cho thuốc "nội"

 

Khảo sát năm 2012 của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), thì các nhà máy sản xuất thuốc của Việt Nam mới chỉ hoạt động trung bình đạt gần 50% công suất. Điều này cho thấy các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong nước cần nỗ lực hơn nữa để ngành sản xuất thuốc có thể phát triển bền vững, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, góp phần chăm lo đời sống an sinh xã hội và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

 

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh cho rằng các cơ sở y tế trên toàn quốc đều hiểu rõ ý nghĩa của đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam,” tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam (tính theo tỉ trọng tiền thuốc) ở tuyến trung ương khoảng 10%, tuyến tỉnh trên 40% và cao nhất là tuyến huyện trên 50%, cho thấy phản ánh đúng thực tế, bệnh viện trung ương là bệnh viện tuyến cuối, điều trị các bệnh nặng, khó chữa.

 

Để triển khai có hiệu quả đề án, Cục đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan thực hiện ưu tiên lựa chọn thuốc gốc, thuốc hóa chất, thuốc sản xuất trong nước, thuốc của doanh nghiệp dược Việt Nam đạt tiêu chuẩn thực hàng tốt sản xuất thuốc (GMP). Do đó, các cơ sở khám, chữa bệnh đã tăng cường sử dụng thuốc sản xuất trong nước thông qua kết quả đấu thầu mua thuốc sử dụng tại đơn vị.

 

Còn ông Nguyễn Quý Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Dược Việt Nam, cho biết với 122 thành viên là các doanh nghiệp lớn, chiếm tỷ trọng 70% thuốc sản xuất trong nước và trên 70% thị phần phân phối thuốc, Hội luôn nâng cao vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp-cơ quan quản lý-người tiêu dùng.

 

Trong đó, vận động doanh nghiệp đầu tư sản xuất thuốc tốt với giá hợp lý, hướng đến mục tiêu thuốc sản xuất trong nước ngày càng được sử dụng nhiều hơn; đồng thời đơn vị sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam sẵn sàng đáp ứng nhu cầu người bệnh.

 

Ngành sản xuất thuốc Việt Nam đã sẵn sàng phục vụ người dân với chất lượng tốt, hiệu quả điều trị cao và giá cả hợp lý, nhưng vấn đề còn lại là phương thức tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi thói quen tiêu dùng và nhận thức được lợi ích trong việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước.

 

Trong đó, các đơn vị kê đơn, bán thuốc đóng vai trò quan trọng về tư vấn, khuyến khích sử dụng thuốc Việt và xây dựng lòng tin cho người bệnh; chính quyền các địa phương đẩy mạnh giải pháp giúp người dân hiểu rõ chất lượng, tính ưu việt của thuốc Việt; chính sách Bảo hiểm y tế có cơ chế ưu tiên thanh toán cho thuốc sản xuất trong nước…