Các trang trại và hộ chăn nuôi gà ở khu vực Đông Nam Bộ đang đứng bên bờ vực phá sản vì đầu ra gặp bế tắc. Theo Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, hiện khu vực này đang tồn hơn một triệu con gà, trung bình mỗi con từ 3,5 - 4kg/con, tương đương 3.600 tấn.
Giá thức ăn tăng, giá gà giảm
Sau thời gian dài giảm giá, hiện giá gà bán ra tại những trang trại chăn nuôi ở Đông Nam Bộ đã xuống ngưỡng dưới giá thành. Giá gà Tam Hoàng chỉ còn 38 - 40 nghìn đồng/kg, giảm từ 10 - 12 nghìn đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 2/2013. Giá gà công nghiệp giảm 15 nghìn đồng/kg so với đầu năm nay, hiện chỉ còn 20 nghìn đồng/kg.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm tỉnh Bình Phước bức xúc: “Trong khi giá gà liên tục giảm thì ngược lại, giá thức ăn chăn nuôi, các loại thuốc thú y đang tăng chóng mặt. Trên thực tế, thức ăn chiếm đến 70% giá thành chăn nuôi, do đó đã đẩy giá thành tăng cao, dồn người chăn nuôi vào “thế chân tường” hiện gặp vô vàn khó khăn”. Hiện giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực 15-20%.
Ông Lê Mạnh Cường, chủ một trong những trang trại gà có quy mô lớn ở Đồng Nai với hơn 200 nghìn con, lắc đầu ngao ngán: “Tôi đang đứng ngồi không yên vì thị trường tiêu thụ gà đang giảm mạnh. Đầu ra bế tắc, vốn liếng đã đầu tư nuôi gà hết, nếu tình hình này kéo dài e rằng không cầm cự được nữa”.
Theo thống kê, khu vực Đông Nam Bộ hiện có khoảng 1.500 trang trại với vốn đầu tư hai tỷ/trang trại, tương đương ba nghìn tỷ đồng đầu tư chăn nuôi gia cầm, chưa tính các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, người chăn nuôi chỉ nuôi cầm chừng, thua lỗ kéo dài dẫn đến tình trạng bỏ trống chuồng, trại để tránh thua lỗ. Do đó dễ dẫn đến hệ lụy nợ xấu ngân hàng, người chăn nuôi gà phá sản dẫn đến nguy cơ thiếu hụt số lượng gà cung cấp ra thị trong thời gian tới.
Một thực tế đang diễn ra hiện nay, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi làm ăn thua lỗ kéo dài không còn tài sản để thế chấp dẫn đến bế tắc trong việc tìm kiếm nguồn vốn vay để tiếp tục duy trì đàn.
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm tỉnh Đồng Nai nói: “ Mặc dù giá gà rẻ nhưng lại không có ai mua. Trong đó, một nghịch lý là giá bán tại các trang trại rẻ nhưng khi sản phẩm gia cầm đến tay người tiêu dùng giá lại cao”.
Ông cũng cho biết thêm, thông tin dịch cúm gia cầm đã làm người tiêu dùng e ngại đối với thịt gà, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, không vay được vốn ngân hàng …. là một trong những nguyên nhân khiến người chăn nuôi trên cả nước hiện nay chứ không riêng gì ở khu vực Đông Nam Bộ gặp lao đao.
Giải pháp để cứu ngành chăn nuôi
Đứng trước khó khăn này, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng: “Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, do đó, cứu nghành chăn nuôi là vấn đề cấp bách cần được các nghành chức năng can thiệp”.
Ông cũng nhấn mạnh: “Hơn lúc nào hết người chăn nuôi đang rất khốn khó, nếu các nghành chức năng không có giải pháp giải cứu trước mắt và lâu dài trên nhiều mặt, tình hình càng lúc càng khó khăn hơn”.
Theo đó, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm tỉnh Đồng Nai - địa phương có tổng đàn gia cầm lớn nhất nước, gần 10 triệu con, đưa ra các kiến nghị: đối với các vùng có dịch cần khoanh vùng cụ thể, những nơi nào không có dịch thì tạo mọi điều kiện để người chăn nuôi bán sản phẩm chăn nuôi để tránh tình trạng thông tin tràn lan ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.
Ngoài ra, cần có chính sách bảo hiểm về giá cả vật nuôi, bởi chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế nhưng những năm qua người chăn nuôi đã gặp rất nhiều rủi ro về giá cả, dịch bệnh… Vì thế, cần chính sách bảo hiểm cho người chăn nuôi.
Bên cạnh đó, để ổn định chăn nuôi gia cầm trong nước, phải ngăn chặn tuyệt đối gia cầm nhập lậu, đồng thời gấp rút thiết lập hàng rào kỹ thuật, hạn chế tối đa nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi không đủ chất lượng; các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc xử lý mạnh tay các trường hợp doanh nghiệp tạm nhập nhưng không tái xuất thực phẩm nhằm trốn thuế.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị, trong bối cảnh khó khăn hiện nay đối với nghành chăn nuôi nên xem xét để hỗ trợ giảm, điều chỉnh thuế VAT cho thức ăn chăn nuôi để người chăn nuôi có điều kiện duy trì sản xuất. Nhà nước cần nghiên cứu dành một khoản ngân sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho người chăn nuôi, bởi trên thực tế Chính phủ đã chỉ đạo giảm và giãn nợ cho phát triển chăn nuôi nhưng hầu hết các trang trại chưa được hưởng quyền lợi từ chủ trương này.