Đầu ra cho bí xanh đang gặp khó

07:53, 05/07/2013

Năm 2013 là năm thứ 5 Trạm Khuyến nông huyện Phú Lương đưa giống bí xanh VN46 vào sản xuất vụ xuân. Do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên giống bí này ngày càng được nhiều người dân trồng. Tuy nhiên, hiện đầu ra cho sản phẩm này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Mô hình trồng bí xanh VN46 được Trạm Khuyến nông huyện Phú Lương đưa vào trồng thí điểm bắt đầu từ năm 2009 với diện tích là 3ha, có 15 hộ tham gia, được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ 30% giá giống (tương đương với 35.000 đồng/sào). Đây là giống bí dễ trồng, dễ chăm sóc và cũng dễ tiêu thụ nên số hộ dân tham gia trồng bí tăng qua các năm. Trung bình mỗi sào bí cho năng suất từ 1,8-2,2 tấn, với giá bán trên dưới 4 nghìn đồng/kg, người nông dân có thể thu lãi từ 2-3 triệu đồng/sào (cao gấp 1,5 lần so với trồng ngô). Ông Phan Văn Tường, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: Chúng tôi muốn đưa nhiều giống mới vào cho bà con nông dân trồng với mục đích tạo được vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá, thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân. Do đó, năm 2009, Trạm đã đưa mô hình trồng giống bí xanh VN46 vào trồng tại một số xã như: Yên Ninh, Yên Trạch, Động Đạt và Yên Lạc. Với hiệu quả đạt được tương đối cao nên năm 2013, số diện tích trồng bí của huyện đã lên tới 43ha (tập trung nhiều ở 2 xã: Yên Ninh và Yên Trạch). Tuy nhiên, hiện nay, giá bí này đang bị sụt giảm nghiêm trọng, khiến người trồng gặp nhiều khó khăn.

 

Anh Nguyễn Quốc Toản, Trưởng xóm Bài Kịnh, xã Yên Trạch – một trong số các hộ tham gia trồng giống bí từ khi mô hình được triển khai với diện tích 4 sào, cho biết: Đây là năm đầu tiên giá bí xuống thấp như vậy. Những năm trước, đến thời điểm này, chúng tôi đã bán được 50-60% diện tích nhưng năm nay, vẫn còn khá nhiều bí chưa bán được vì giá bí đang giảm mạnh và người mua cũng rất hạn chế. Để có diện tích cấy lúa mùa, tôi đã thu nốt 2 sào bí về nhà, đợi khi nào giá tăng thêm thì bán....”.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Ma Văn Tý, Chủ tịch UBND xã Yên Trạch cho biết: Trong những năm qua, người dân trong xã thường xuất bán cho thương lái ở tỉnh Hưng Yên với giá trung bình từ 3.500-4.000đ/kg. Mỗi ngày, bình quân người dân xuất bán cho thương lái hàng chục tấn bí, nhưng nay giá bí chỉ còn 2.000 đồng/kg, số lượng mua cũng rất hạn chế, do đó, nhiều hộ dân đang giữ bí ngoài ruộng hy vọng giá bí sẽ tăng.

 

Theo đánh giá của ông Phan Văn Tường, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện thì một trong những nguyên nhân khiến giá bí xuống thấp là bởi thời gian trước, khi giá bí có xu hướng giảm, nhiều hộ dân đã dừng việc bán, khiến hàng tồn lại khá nhiều so với cùng thời điểm mọi năm và đến thời điểm này thì giá bí tụt hẳn. Trong khi đó, đây đang là thời điểm người dân chuẩn bị cấy lúa vụ mùa nên bắt buộc phải thu hoạch bí. Việc để bí xanh ngoài ruộng cũng không có lợi vì để lâu, bí sẽ bị khô cuống hoặc có hiện tượng thối cuống, đồng thời cũng sẽ bị xốp và nhẹ cân, ảnh hưởng tới chất lượng. Do vậy, dù giá bí không đạt được như mong muốn, nhưng theo ông Tường, người dân cũng nên tính đến việc xuất bán.

 

Nông sản được mùa - rớt giá hay càng mở rộng diện tích, càng khiến giá xuống thấp… không còn là câu chuyện mới. Trong khi các ngành chức năng chưa có giải pháp hữu hiệu trong việc tìm đầu ra cho nông sản thì mỗi người dân cần tự tìm ra cho mình 1 cách làm cũng như cách tiêu thụ hiệu quả, tránh những thiệt hại không đáng có. Cùng với đó, ngành chức năng cũng nên khuyến cáo người dân không nên trồng quá nhiều, tăng diện tích quá nhanh với những sản phẩm có đầu ra không ổn định và tăng cường khả năng phân tích, dự báo thị trường để có những định hướng có lợi cho người nông dân vốn có nguồn thu nhập chủ yếu từ đồng ruộng.